Thể thao

Cả làng đi “phe”, mua SH nhờ cơn sốt vé

Làng PĐ không chỉ nổi tiếng với thương hiệu bún trứ danh, mà đã từ lâu được biết đến như một nơi có đông… phe vé nhất cả nước.

Huy động cả họ ở quê xếp hàng

Làng PĐ nằm ngay sát SVĐ Mỹ Đình, nên có lợi thế rất lớn về địa lý và cả những mối quan hệ mỗi khi có trận đấu lớn tổ chức tại đây. Với thâm niên hơn 10 năm làm phe vé (SVĐ Mỹ Đình bắt đầu hoạt động từ năm 2003), nên độ tinh quái, nhạy cảm của người dân ở đây cũng khác hẳn nơi khác. Đặc biệt với những trận cầu đỉnh cao thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, thì cả làng PĐ gần như “ra quân” để “thu gom” vé và kiếm lời.

Một người dân ở làng PĐ kể rằng, không chỉ có cả nhà, cả làng đi xếp hàng, đi xin dấu đỏ công ty mua vé qua đường công văn, thì ở mỗi trận đấu “hot”, người dân “huy động” cả họ hàng ở quê lên để làm sao có nhiều vé nhất có thể. Ngoài ra, cũng có những lần phe vé làng PĐ phải thuê cả sinh viên xếp hàng.


Dân phe vé luôn chiếm số đông trong đoàn người xếp hàng

Thậm chí trong những giải đấu lớn, những trận cầu đỉnh cao thu hút sự quan tâm của người hâm mộ trên sân Mỹ Đình, có cả những cụ già đã ở tuổi 80 cũng xuất hiện trong dòng người ồn ào, xô đẩy nhau đến nghẹt thở. Tất nhiên, những cụ già này luôn được ưu tiên vào mua vé trước vì “kính lão đắc thọ”.

Do chiêu xếp hàng mua vé đã trở nên chuyên nghiệp và có tổ chức, nên một số lượng lớn vé các trận đấu rơi vào tay người dân làng PĐ. Nhiều nhân viên an ninh, bảo vệ sân Mỹ Đình chẳng lạ gì với các phe vé nhẵn mặt từng nhiều năm “kiếm ăn”. Nhưng họ cũng chẳng thể làm gì bởi tất cả đều xếp hàng theo đúng quy định.

Trong ngày VFF mở bán vé trận bán kết lượt về ĐTVN vs Indonesia, chẳng khó để nhận ra hầu hết những người xếp hàng giữ chỗ và chen ngang là dân phe vé. Đó là những người phụ nữ tuổi trung niên, mặt đen vì nắng gió. Cũng có những thanh niên, những người đàn ông lớn tuổi, với khuôn mặt dữ tợn và đầy chất “anh chị”.

Do có đông người đi xếp hàng mua vé đủ các kênh khác nhau, nên khi “trúng quả” nhờ cơn sốt vé, cả làng PĐ sẽ “ăn đậm”. Vì thế mới có câu chuyện nhiều người người kể lại rằng, sau những trận bóng bóng lớn như ĐTVN tiếp Brazil, Arsenal, Man City hay giải U19, không ít phe vé làng PĐ đã đổi đời, mua được xe tay ga SH nhờ vé sốt.

Đừng dại mà động vào “phe”

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi VFF bán vé một giải đấu lớn, một trận đấu lớn nào đó, thì phe vé luôn được báo chí nhắc tới. Đơn giản bởi các “phe” này hoạt động công khai, tụ tập số đông, mời chào người đi đường bất kể ngày đêm. Và, như nói ở trên, mỗi khi có cơn sốt vé, thì dân phe vé đồng loạt đẩy giá lên cao gấp 5-7 lần so với giá gốc, khiến người mua ngao ngán.

Tất nhiên, chẳng phải người hâm mộ nào cũng sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua một cặp vé, nhưng họ phải quan hệ, phải biếu, đành ngậm đắng nuốt cay móc hầu bao chi tiền chênh lệch vô lý cho các phe vé.


Phe vé vốn chẳng ưa gì báo chí

Không chỉ bán với giá cao hơn nhiều giá gốc, phe vé sẵn sàng vay mượn những khoản tiền lớn để đầu tư, mua lại vé. Vì thế mà có những giải đấu người xếp hàng cả đêm mua được vé, ngay sau khi ra ngoài cổng đã bị phe vé gạ gẫm với mức giá hấp dẫn.

Đã có những trường hợp phe vé cầm cả xấp vé trên tay bị lực lượng Công an bắt giữ, nhưng đâu vẫn vào đấy. Phe vé sân Mỹ Đình giờ tinh quái hơn nhiều. Họ chẳng dại gì mà ôm cả đống vé trong người, mà lập hội, chia nhỏ vé ra, mỗi khi có khách chỉ cần một cú alo là ngay lập tức “vé nào cũng có”, “số lượng bao nhiêu cũng đủ”.

Cũng vì tiếng là “thao túng” giá vé chợ đen, nên cánh phe vé cực ghét báo chí. Mỗi khi biết có phóng viên quay phim, chụp ảnh, các phe tản ra, chụp mũ, đeo kín khẩu trang.

Nhưng đó chỉ là cách né tránh theo phản xạ. Phe vé sẵn sàng phản ứng, thậm chí gây gổ, dọa đánh nếu họ bị làm phiền việc làm ăn. Vì vậy, hầu hết báo chí khi tác nghiệp về phe vé đều phải lựa vị trí từ xa và kín đáo, nếu không muốn tự chuốc họa vào thân. Tất nhiên, cũng có lúc phe vé lại rất cần báo chí để đẩy cơn sốt vé lên đỉnh điểm, nhờ đó tha hồ thu lời.

Lời ăn, lỗ chịu

Các phe vé cũng có đầu óc tính toán chẳng kém những nhà chuyên gia bóng đá hay báo chí. Họ cũng phải dự đoán đâu là giải đấu “hot”, đâu là trạn đấu ít người quan tâm. Đặc biệt, phe vé tính toán thời điểm rất tốt để bán vé ra ngoài chợ đen với mức cao nhất.

Tất nhiên, “người tính không bằng trời tính”, có những trận đấu phe vé hoàn toàn thất bại, tài sản trong nhà phải đội nón ra đi vì những khoản tiền vay nóng nặng lãi.

Tác giả bài viết: Đ.N

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP