Giáo dục

Buổi họp phụ huynh kỳ lạ

Đó là một buổi họp phụ huynh mà ai cũng nghĩ: đến họp chủ yếu là để đóng tiền!


Ảnh: Nop

Tôi đã chuẩn bị tiền khi được mời họp phụ huynh cho con học lớp 6. Tôi tới sớm và ngồi đợi, một vài phụ huynh khác tỏ vẻ nóng ruột, than thở không có nhiều thời gian dự họp đến cuối buổi. Qua cách trò chuyện, tôi biết họ cũng như tôi, nghĩ đến họp chủ yếu là để đóng tiền. Một phụ huynh còn nhờ người khác nộp tiền thay để đi về trước vì có việc đột xuất, coi như xong “nghĩa vụ”.

Nhưng khi cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, và những gì diễn ra sau đó khiến tôi ngạc nhiên và ân hận. Phần giới thiệu về trường được cô giáo nói vắn tắt, và giải thích nếu phụ huynh nào cần tìm hiểu thêm thì lên trang web của trường. Còn buổi họp này dành thời gian để trao đổi về các con.

Cô giáo cũng khẳng định: “Buổi họp phụ huynh không phải chỉ để thông báo, mà là cuộc gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm cách giúp đỡ các con”.

“Vào lớp 6, chúng tôi gọi học sinh là “lũ ong vỡ tổ”. Vì vừa rời trường tiểu học, các con còn bỡ ngỡ, ngơ ngác, thậm chí bị sốc khi bước vào một cấp học có nhiều môn học, nhiều thầy cô, cách dạy học cũng rất khác. Các con phải tập từ cách ghi chép sao cho nhanh, ghi theo cách hiểu của mình, chứ không còn được đọc - chép như tiểu học” - cô giáo chủ nhiệm của con tôi chia sẻ.

Cô còn nhắc phụ huynh: “Đừng quá sợ mà cho con đi học thêm nhiều, càng khiến con căng thẳng. Nếu con bị điểm kém cũng không được mắng, phạt. Ngược lại con được điểm 9, 10 cũng không nên quá vui mừng mà thưởng quà. Vì nếu phạt các con càng tự ti, chán nản; còn thưởng vì điểm tốt sẽ khiến các con chủ quan, có tâm lý “tìm cách có điểm tốt để có thưởng”, mà đôi khi những cách các con chọn để “săn điểm tốt” chưa chắc đã thực sự tốt”.

Nhắc nhở của cô làm bầu không khí của buổi họp phụ huynh sôi nổi hơn. Nhiều người thừa nhận cũng sốc khi con liên tục bị điểm 5, 6 môn toán, trong khi trước đây ở trường tiểu học con luôn được nhận xét tốt. Cũng có phụ huynh thừa nhận đã mua cho con đồ chơi tiền triệu, khi đầu năm học con đã có điểm 9.

Không chỉ có cô giáo chủ nhiệm, mà buổi họp phụ huynh hôm đó có cả các thầy cô dạy những môn học khác của lớp tham gia.

Thầy dạy toán của lớp sau khi có những nhận xét ban đầu về các con, đã chuyển sang một đề tài tưởng như không liên quan, là làm thế nào để các con chịu khó đọc sách. “Hạn chế cho con đọc truyện tranh, vì ngôn ngữ của truyện tranh khiến các con bị quen với cách nói, viết cộc lốc. Hãy tìm những truyện hay, đọc cùng con, rồi hỏi con về nội dung truyện như thế nào. Đó cũng là một cách học” - thầy 
giáo dạy toán nói.

“Con của các vị nhưng là học sinh của chúng tôi. Vì thế, nếu phụ huynh nào đối xử với con thô bạo, gây áp lực, căng thẳng với con về chuyện học hành, tôi hứa là tôi sẽ can thiệp”, cô giáo chủ nhiệm nghiêm túc nói với tất cả phụ huynh.

Một buổi họp phụ huynh mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ về trách nhiệm mà mình chưa làm được với con; về những điều lệch lạc mà lâu nay do các nhà trường, phụ huynh làm sai quá nhiều nên tưởng thế mới là đúng, mới là phù hợp, là lẽ thường.

Dĩ nhiên, phụ huynh vẫn phải đóng tiền nhưng các khoản thu, thời gian thu được công bố trên trang web của trường, và phụ huynh chuyển tiền qua tài khoản. Vì thế, buổi họp phụ huynh chỉ còn là những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, chân tình giữa nhà trường và gia đình học sinh.

Cũng trong dịp các trường họp phụ huynh đầu năm học, một phụ huynh khác có con đang học lớp 11 tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Cuộc họp của lớp con tôi cũng thế. Cô giáo chủ nhiệm mời luôn một chuyên gia tư vấn về cách làm tóc và cách ăn mặc đến để trao đổi với phụ huynh, sau đó tư vấn cho nữ sinh. Vì nhiều em thích làm đẹp theo một số trào lưu nên không phù hợp khi đến trường. Cô giáo muốn tư vấn cho phụ huynh để cùng hướng dẫn cho các con”.

Ngoài chuyện tư vấn về tóc, ăn mặc, cô giáo và các phụ huynh còn thảo luận về biện pháp hạn chế con chơi game. Hay trường hợp các con dính vào yêu đương thì nên xử trí thế nào? Cách để giúp con có sự tập trung trong thời gian tự học...

Câu chuyện họp phụ huynh ở trên được chúng tôi ghi lại qua lời trưởng ban phụ huynh của một lớp 6, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội.

Nghe những câu chuyện lạ này, chúng tôi cũng thử làm một khảo sát nhỏ ở nhiều trường công lập khác, nhưng kết quả cho thấy những buổi họp phụ huynh kiểu trên vẫn là lạ. Lạ vì không phổ biến.

Nội dung họp phụ huynh kiểu “truyền thống” của nhiều trường công lập vẫn là thông báo thành tích của nhà trường, tình hình của lớp, thông báo tiền đóng góp, cuối cùng là ban phụ huynh thu quỹ lớp.

Một số phụ huynh có con học lớp 12 ở trường công lập tại Hà Nội cho biết việc thảo luận tổ chức lớp học thêm thế nào, tiền “chăm sóc” các thầy cô môn chính ra sao chiếm tới 1/3 thời gian họp phụ huynh. Rất nhiều buổi họp phụ huynh chỉ có nội dung chính là nộp tiền.

Chỉ mong một ngày những kiểu họp phụ huynh lạ không còn lạ nữa, khi cái tốt được nhân lên.

Tác giả bài viết: Hồng Vân ghi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP