Giải trí

Bức xúc vì “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” bị vi phạm bản quyền

Phản ứng về thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị sử dụng các gameshow “hot”, bộ phim truyền hình “ăn khách” của nhà Đài trên internet như tự ý cắt cúp và chèn quảng cáo thu lợi nhuận…

Tại hội nghị tập huấn Nghị định số 22/2008/NĐ-CP ngày 23/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc do Cục Bản quyền (Bộ VH,TT&DL) tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, vấn đề thanh tra, kiểm tra việc thực thi bản quyền được trao đổi sôi nổi.

Liên quan đến vấn đề gây ồn ào thời gian qua đó là vấn đề thu phí tác quyền qua tivi của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết, việc thu phí này là hoàn toàn hợp lệ, đúng với pháp luật quốc tế và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

Hình ảnh hội nghị tập huấn ngày 11/4 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Hùng chia sẻ thêm rằng, vì đây là hoạt động dân sự nên cần phải có lộ trình cụ thể. Bên thu phí phải chứng minh được mình đại diện cho ai, danh sách ca khúc được phép thu phí gồm những ca khúc nào.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, danh sách các ca khúc do Đài THVN thực hiện khi về đến các khách sạn và đến với người sử dụng đã rất chi tiết. Hiện nay, đã có đơn vị cung cấp dịch vụ có ứng dụng công nghệ cho phép trong 24 tiếng có thể bóc tách được danh sách ca khúc trình diễn trên kênh nào, vào giờ nào, thậm chí có thể biết được ca khúc đó biểu diễn trọn vẹn hay chỉ nửa bài.

“Để thu được phí bản quyền trên tivi thì đơn vị thu phí nên liên kết với những đối tác cung cấp dịch vụ này để đưa ra được danh sách chuẩn các ca khúc, danh sách nhạc sĩ uỷ quyền thu, từ đó mới có thể tiến hành thu. Phía VCPMC và các khách sạn phải ngồi với nhau để làm rõ được danh mục bài hát, từ đó đưa ra mức phí hợp lý”, ông Bùi Nguyên Hùng nói.

Đại diện Cục Bản quyền tiết lộ, phía VCPMC đang xây dựng lộ trình và sẽ báo cáo cụ thể với Cục trước khi tiến hành thu phí tác quyền qua tivi.

Lên tiếng về việc thu phí tác quyền trên truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, phía Đài từng nhận được yêu cầu đòi thu phí tác quyền từ Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch Hội. Tuy nhiên, do bên Hội không thể hiện được rõ vai trò được uỷ quyền cho các nhạc sĩ nào, thu phí theo cơ sở, hình thức nào nên Đài đã từ chối việc chi trả bản quyền.

“Chúng tôi sẵn sàng làm theo luật, ủng hộ việc chi trả tác quyền âm nhạc, tuy nhiên thu tác quyền thế nào, liệt kê danh mục ca khúc thế nào thì cần phải rõ ràng”, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam nói.

Phim "Người phán xử" bị nhiều đơn vị truyền thông lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên riêng thu lợi.

Phản ứng về thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam bức xúc cho biết, nhiều đơn vị sử dụng các sản phẩm của nhà đài trên internet, tự ý cắt cúp và chèn quảng cáo. Bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là các chương trình truyền hình thực tế “hot” như: The Voice, Đồ rê mí, Tìm kiếm Tài năng Việt Nam… Nhiều bộ phim truyền hình “ăn khách” như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”…cũng bị các đơn vị truyền thông lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên kênh riêng.

Không chỉ riêng lĩnh vực truyền hình bị vi phạm bản quyền, theo ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL thì tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra với muôn hình vạn trạng khiến cho các thanh tra viên khó nắm bắt. Ông Thái liệt kê các lĩnh vực hay vi phạm bản quyền tác giả là biểu diễn nghệ thuật, karaoke…

Chánh Thanh tra Bộ cho biết, hiện nay đang diễn ra hiện tượng, nhiều đơn vị, tổ chức xin cấp phép nội dung một đằng nhưng biểu diễn một nẻo khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại hội nghị, Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Các mức phạt cụ thể như: “Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu tác giả” (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

“Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cở sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định” (Khoản 3 Điều 29 của Nghị định).

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP