Giới trẻ

Bức thư đầy nhân văn của học sinh lớp 9 Việt Nam khiến cả thế giới thức tỉnh

Với chủ đề "Viết thư cho bản thân mình vào năm 45 tuổi", tác giả Nguyễn Thị Thu Trang đã hoá thân mình vào cậu bé di cư Aylan Kurdi và có những ước mơ khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

“Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực... Tất cả đều như nhau - những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên”, đây là đoạn trích trong bức thư gửi của Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9 tại Hải Dương.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, chủ nhân của giải Nhất cuộc thi UPU 2016.

Được tổ chức hàng năm, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đã và đang là sân chơi cho học sinh độ tuổi từ 10 tới 15. Trong số những bức thư này, có nhiều bức nội dung vượt qua cả trí tưởng tượng của người lớn, tầm hiểu biết cũng như tính nhân văn thể hiện rất rõ trong các tác phẩm mang đi thi.

Năm nay, với chủ đề "Viết bức thư cho chính mình vào năm 45 tuổi", các tác giả nhỏ tuổi đã cho ban giám khảo thấy được nét độc đáo riêng với nhiều ước mơ khác nhau, nhưng với Nguyễn Thị Thu Trang, cô học sinh này hoá thân mình vào vai bé trai di cư tử vong trên bờ biển, đưa một góc nhìn đầy tính nhân văn về sự tiện thời sự quốc tế.

Bức thư này đã vượt qua hàng triệu bài thi xuất sắc nhất ở nhiều quốc gia khác trên thế giới đoạt giải Nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 - 2016.




Dưới đây là nội dung bức thư.

Bức thư của Nguyễn Thị Thu Trang.

"Thiên đàng, ngày 1/1/2016.

Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!

Vậy là đã gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi - bé Aylan Kurdi 3 tuổi người Syria - được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh - là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế.

Aylan Kurdi, bé trai 3 tuổi người Syria cảnh tỉnh cả thế giới.


Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ - cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh.

Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng - một thế giới kì diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực… Tất cả đều như nhau - những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.

Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu… Chao ôi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ thì tất cả đã quá xa vời.

Bức thư của Nguyễn Thị Thu Trang.

Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về 'miền đất hứa' ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên: 'Bố ơi, xin đừng chết!'. Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé ba tuổi thì có thể làm gì được giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi... biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên nền cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quần xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân. Tôi nằm yên trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.

Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? 'Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu', 'Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy' rồi 'khiến thế giới câm lặng' hay 'thức tỉnh lương tri'.

Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần. Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta 'cường điệu hóa' hay 'thi vị hóa' một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên ba. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý.

Chao ôi, 3 năm - một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực; giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao; giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như... thì có lẽ tôi đã không phải chết!

Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!

Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được. Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ 'Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa... mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì...'. Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?

Và từ nơi đây, từ trong đau đớn, tột cùng của một đứa trẻ đã chết, từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh - là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh - tuổi 45 - là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đời. Khi tôi 45 tuổi, còn sống - là anh - ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới?

Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là con một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống không? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư? Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi - thưa anh!

Thân ái!

Tôi - là anh từ trên thiên đàng"

Tác giả bài viết: Van Vu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP