Kinh tế

BOT đường bộ thì xếp hàng làm, đường sắt, đường thủy thì không thấy ai

Trong khi một số doanh nghiệp cho rằng là dự án BOT chỉ "lấy công làm lãi", đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại đặt câu hỏi vì sao không có lợi mà nhà đầu tư lại đổ vốn vào làm.

Lỗ hổng quản lý BOT, tiền tỷ thất thoát
“Người dân còng lưng đóng phí BOT, tiền chảy vào túi tư nhân…”
Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ thu gần 2 tỷ đồng một ngày

Kết quả kiểm tra, giám sát đột xuất của Tổng cục Đường bộ tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thì số tiền thu được mỗi ngày lên tới gần 2 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 1,2 tỷ được tiết lộ trước đó. Câu chuyện này nói lên điều gì thưa ông?

- Đúng là việc thu phí tại các trạm BOT hiện nay, trong đó gồm cả trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí, dư luận đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong việc đầu tư, thu phí BOT. Chính vì vậy, vấn đề đầu tư và thu phí BOT đã được đưa vào dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu. Bản thân tôi cũng đã chọn việc này là một trong những vấn đề Quốc hội sẽ giám sát tối cao vào năm tới.

Những bức xúc của dư luận và vụ việc dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đặt ra nhiều dấu hỏi về chuyện thu phí tại các dự án. Rõ ràng có sự không minh bạch ở đây. Tôi cho rằng cơ quan quản lý là Bộ Giao thông vận tải cần có sự kiểm tra và giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa.


- Cụ thể Quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc đầu tư, thu phí BOT những khía cạnh nào?

- Giám sát tại những dự án BOT, trước hết theo tôi phải có quy hoạch đầy đủ, chi tiết ở tầm quốc gia, nhất là dự án đầu tư đường bộ mà hiện nay chúng ta đang thiếu. Phải minh bạch từ đấu thầu BOT. Hiện mọi dự án đầu tư BOT đều được "đóng kín", không ai biết được nhà đầu tư đã bỏ vốn vào đó là bao nhiêu? Nguồn thu phí sau khi hoàn thành dự án được bao nhiêu?... Nên cũng không ai biết cơ sở nào để họ đưa ra mức phí... Tôi cho rằng đây là kẽ hở rất lớn tạo điều kiện cho tham nhũng, thất thoát, gây thiệt hại cho ngân sách và cuối cùng tất cả thiệt thòi đổ hết lên đầu người dân.

Không thể phủ nhận các dự án BOT đem lại bộ mặt mới cho cơ sở hạ tầng hiện nay. Tận dụng được lợi thế, huy động được vốn là tốt nhưng vốn ấy có đúng bản chất không? Quá trình hoàn vốn, quản lý và điều tiết của Nhà nước về mức thu phí cũng phải rõ ràng, không để tình trạng doanh nghiệp cứ hễ kêu lỗ, khó khăn lại đề xuất tăng phí là được thông qua.

- Ông suy nghĩ sao khi chủ đầu tư các dự án cho rằng “bỏ vốn vào BOT cũng chỉ lấy công làm lãi”?

- Đó là theo quan điểm của một nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp. Với doanh nghiệp thì đúng là làm gì, đầu tư vào đâu cũng phải nghĩ tới doanh thu, lợi nhuận. Vì sao các nhà đầu tư chỉ “xếp hàng” xin làm BOT đường bộ, trong khi đường sắt, đường thuỷ mời mãi cũng chẳng có ai ngó ngàng tới? Rõ ràng họ thấy có lợi thì mới đổ vốn vào làm.

Kêu gọi xã hội hoá những dự án đầu tư công là cần thiết trong lúc ngân sách hạn hẹp, khó khăn. Nhưng không có nghĩa hô hào và biến nó trở thành trào lưu đầu tư BOT, còn khâu kiểm soát lại sơ hở, không minh bạch.

Hôm qua tôi vừa nhận được báo cáo của Chính phủ về vấn đề thu hút đầu tư BOT và thu phí BOT hiện nay. Đọc báo cáo này tôi cảm thấy lo lắng khi vốn chủ yếu là vay ngân hàng, vốn bảo lãnh Chính phủ, chứ không phải vốn trực tiếp của chủ đầu tư.

Đồng ý với những dự án đầu tư lớn, khó mà đòi hỏi doanh nghiệp có hết tiền “tươi”. Họ phải đi vay là đương nhiên, nhưng tỷ lệ vay chiếm gần hết vốn đầu tư lại là vấn đề rất đáng lưu tâm. Doanh nghiệp không đủ vốn có thể đi vay ngân hàng, nhưng phải tính tới lợi ích của Nhà nước và người dân.

Với cơ cấu vốn hiện nay thì có khi Nhà nước đầu tư, nhưng tiền thu về lại đổ hết vào túi doanh nghiệp. Hay chẳng may nhà đầu tư nào đó rơi vào cảnh vỡ nợ thì có khi Nhà nước lại phải ôm khoản nợ đó. Đòi hỏi sự công khai, minh bạch không chỉ là yêu cầu, theo tôi còn là điều kiện với mỗi dự án, chủ đầu tư BOT.

Về góc độ văn bản pháp luật, tôi cho rằng phải nâng cấp Nghị định thành Luật, quy định cụ thể, chi tiết về việc đầu tư dự án BOT. Có công khai, minh bạch thì dù có phải trả phí, người dân họ cũng cảm thấy hài lòng, sẵn sàng bỏ tiền, chứ không phải sự bức xúc như hiện giờ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP