Giới trẻ

Bôi nhọ trên mạng không khác bị dao đâm sau lưng mà không biết ai

"Có người bị bôi nhọ trên mạng không chịu được sức ép dư luận, xã hội, nghĩ chỉ muốn chết luôn. Điều đó không khác gì bị dao đâm sau lưng mà không biết là ai", luật sư Thành nêu.

Bị bôi nhọ trên mạng có người chỉ muốn chết

Vụ việc Bí thư một tỉnh bị đưa tin bôi nhọ, vu khống có bồ nhí, tài sản khủng trên mạng và nhiều vụ việc đưa thông tin sai trong thời gian qua đã, đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, với sự phát triển mạnh, tốc độ lan truyền như vũ bão của internet, mạng xã hội, việc tung tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm đã, đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân, tổ chức.

"Cá nhân tôi cho rằng, việc bôi nhọ, xúc phạm, đưa tin sai sự thật trên mạng còn hơn là cầm dao đâm người. Bởi vì tốc độ lan tỏa thông tin như vũ bão của mạng xã hội có thể khiến cho người bị hại trở nên khốn đốn trước khi sự thật được làm sáng tỏ.

Có người bị bôi nhọ không chịu được búa rìu dư luận, sức ép về mặt xã hội nặng nề còn nghĩ quẩn chỉ muốn chết luôn, chứ sống bị dè bỉu không chịu được. Điều đó không khác gì bị dao đâm sau lưng mà không biết người đâm là ai", luật sư Thành nêu.

Luật sư Nguyễn Công Thành.

Luật sư Thành cho hay, theo quy định của pháp luật tại điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng" thì các hành vi bị cấm:

Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm.

Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Người thực hiện các hành vi bị cấm đó sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số:174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Mức xử phạt cho hành vi: "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" sẽ là bị phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Có thể bị phạt tù

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Hà Nội), cũng cho hay, nếu hành vi vu khống ở mức độ "bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền"... thì sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự hiện hành, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ngoài ra phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm, đó là: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với nhiều người; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

"Vì vậy, không nên trở thành "anh hùng bàn phím" một chốc, một lát để rồi phải gánh chịu những hậu quả pháp lý như đã nêu trên. Không nên coi mạng xã hội là chỗ để văng tục, chửi bậy hoặc muốn nói gì thì nói...

Với sức lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, mạng thông tin điện tử thì một thông tin sai lệch, bịa đặt có thể nhanh chóng gây hệ lụy xấu cho xã hội và cho các nạn nhân.

Vì vậy, Nhà nước ta cũng nên có chứng công cụ pháp lý để kiểm soát thông tin và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm để bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân cũng như lợi ích chung của cộng đồng xã hội", luật sư Cường nêu rõ.

Tác giả bài viết: Hoàng Đan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP