Trong nước

Bộ Y tế công bố hải sản bốn tỉnh miền Trung ‘bảo đảm an toàn’

Các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với hải sản tại 4 tỉnh miền Trung tương đương với mẫu đối chứng ở ba tỉnh, thành khác.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: QH

Sáng 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân ở bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Hội nghị có sự tham dự của 200 đại biểu từ các bộ, ngành và bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công bố kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền Trung với khẳng định “đảm bảo an toàn”.

Cụ thể, sau khi cơ quan chức năng công bố hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung vào tháng 8/2016, Bộ Y tế đã lấy 1.040 mẫu hải sản ở bốn tỉnh và 300 mẫu ở ba tỉnh đối chứng ( Hải Phòng, Khánh Hoà và Bà Rịa Vũng Tàu). Một tháng sau, Bộ Y tế công bố hải sản an toàn, trừ một số loài tầng đáy ở phạm vi 20 km gần bờ.

Đến tháng 3/2018, Bộ Y tế tổ chức thêm năm đợt giám sát với 3.900 mẫu tại 15 điểm và đánh giá an toàn thực phẩm với tất cả các loài, đặc biệt là hải sản tầng đáy trong vùng biển 20 km gần bờ. "Các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với hải sản tại tất cả các vùng biển của 4 tỉnh đều tương đương với mẫu đối chứng", báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, chất lượng môi trường biển gồm nước biển và trầm tích tại bốn tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thuỷ sinh, tắm biển và thể thao dưới nước.

Bộ trưởng Y tế phát biểu tại Hội nghị

Nguồn lợi thủy sản đã phục hồi

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, đến nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc,... xuất hiện trở lại; người dân tích cực bám biển sản xuất các nghề khai thác cá nổi và từng bước chuyển các nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ.

Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại bình thường. Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 152.000 tấn, tăng 23,5% so với năm 2016.

Về nuôi trồng thủy sản, sau khi có công bố môi trường nước biển đã an toàn, người dân đã tích cực cải tạo ao, đầm, đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh là 46.900 tấn, tăng 1,4% so với năm 2016.

Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản và giá hải sản ở 4 tỉnh đã theo mặt bằng giá chung của toàn quốc...

Năm 2017, du lịch tại 4 tỉnh bắt đầu phục hồi, khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ, tết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016.

Chiều tối 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra cảng mua cá của ngư dân Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh nói trên.

Ngày 23/8/2016, Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 10/5, tổng số kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là hơn 6.490 tỷ đồng; đến nay đã chi trả trên 6.403 tỷ đồng cho người dân, tương đương 98,7% so với số tiền phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cho vay hơn 208 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 7.302 tấn hải sản, đến cuối tháng 2/2017 các khách hàng được vay vốn đều đã trả hết nợ vay.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP