Thế giới

Bộ Tư pháp Mỹ có thể điều tra vợ chồng cựu Tổng thống Clinton

Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu phía công tố xem xét điều tra hoạt động của quỹ từ thiện Clinton do vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sáng lập, cũng như sự liên quan của họ với thương vụ mua bán một công ty sản xuất uranium gây tranh cãi thời bà Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và vợ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

BBC cho biết, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Robert Goodlatte đã viết thư cho Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu bổ nhiệm cố vấn đặc biệt nhằm lật lại thương vụ mua bán sáp nhập công ty Uranium One cho một công ty quốc doanh Nga.

Bộ Tư pháp đã phản hồi rằng họ đã chỉ đạo các công tố viên liên bang cấp cao đánh giá về các vấn đề nêu trong lá thư của ông Goodlatte. Cơ quan này đồng thời chỉ ra những nghi vấn rằng quỹ từ thiện Clinton đã thực hiện một số thương vụ trái pháp luật cùng một số vấn đề khác có liên quan tới thương vụ mua bán Uranium One.

Uranium One là công ty khai khoáng của Canada. Tại thời điểm vụ mua bán được tiến hành năm 2010, công ty này đang nắm quyền tiếp cận 20% trữ lượng uranium của Mỹ và quyền khai khoáng ở 2 bang Wyoming và Utah. Chính quyền Mỹ khi đó đã thông qua thương vụ mua bán công ty này cho công ty quốc doanh Nga Rosatom.

Thương vụ mua bán đã gián tiếp cho phép Rosatom của Nga thay Uranium One kiểm soát lượng uranium dự trữ của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới quyền quản lý của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã giúp thông qua thỏa thuận này.

Đảng Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama phê duyệt thỏa thuận gây tranh cãi này sau khi quỹ từ thiện Clinton nhân được khoản tài trợ trị giá 145 triệu USD. Theo New York Times, quỹ Clinton dường như đã không công khai một số khoản đóng góp dù quỹ này luôn cung cấp đầy đủ về danh tính của các nhà hảo tâm trước đó.

Ngoài ra, ông Bill Clinton được cho là đã nhận được khoản tiền 500.000 USD để làm diễn giả tại 1 ngân hàng đầu tư có quan hệ với điện Kremlim ở thủ đô Moscow, Nga. Theo BBC, ngân hàng này cũng là một cổ đông trong thương vụ mua bán Uranium One.

Hồi tháng trước, các nghị sĩ phe Cộng hòa cũng tuyên bố họ đang điều tra thương vụ mua bán Uranium One và bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân của bà Clinton khi còn giữ chức Ngoại trưởng. Trong một cuộc phỏng vấn với đài C-SPAN gần đây, bà Clinton cho biết cáo buộc về thương vụ Uranium One hoàn toàn “vô nghĩa” và đã bị “đào xới” lên quá nhiều lần.

Trong một phiên điều trần trước quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions khẳng định cơ quan này sẽ điều tra và đưa ra kết luận “đúng, chính xác và không bị tác động bởi yếu tố chính trị”.

Tác giả: Đức Hoàng (Theo BBC)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP