Sáng ngày 21/10, Quốc hội thảo luận trực tiếp về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết ý kiến của đa số Đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ.
Các Đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Bộ trưởng Công an giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Một là, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến ngày 31/12/2022. Hai là, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy ngay từ 1/7/2021.
Phát biểu, ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên), Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội đồng tình với việc tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tới hết 31/21/2022. Theo nữ đại biểu, còn rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch cần có sổ hộ khẩu nên nếu bỏ ngay khi luật có hiệu lực sẽ khiến người dân gặp khó khăn.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại điểm cầu cho rằng, việc lùi thời điểm bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng tới quyết tâm của Chính phủ.
Ông Hòa đồng tình với phương án 1 vì cho rằng, nếu không được sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp mà các cơ quan chức năng "đòi" giấy tờ xác nhận nơi cư trú để làm các thủ tục khác hay các giao dịch dân sự thì sẽ gây phiền hà cho người dân.
“Sổ hộ khẩu dùng mấy chục năm nay rồi, cho dù 2 năm nữa cũng không lâu, ngược lại rất thuận tiện và không gây phiền hà cho người dân. Tại sao không kéo dài tới đó để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân?”, ĐB Đồng Tháp nói.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về thời điểm áp dụng phương thức quản lý cư trú mới, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho rằng, nếu không dứt khoát được thời điểm thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan.
“Bỏ sổ hộ khẩu, như Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi rất thấm thía, đây là điều mong ước của người dân. Trước đây một số quy định sổ này, sổ kia, khi bỏ được, thay đổi phương thức quản lý, mang lại sự phấn khởi cho người dân. Chủ tịch Quốc hội nói đây là mong ước của người dân, bây giờ làm được việc này cũng chính là mong đợi của người dân. Đây là điều chúng tôi quán triệt”, Bộ trưởng Công an khẳng định.
Bộ trưởng Công an thừa nhận có rất nhiều điều khoản, quy định liên quan đến sổ hộ khẩu nhưng thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống thay đổi chứ không chỉ riêng loại giấy tờ này.
Trong báo cáo đánh giá tác động, kế hoạch triển khai, Bộ đề nghị từ nay cho tới 1/7/2021 vận động người dân, đăng ký chỗ ở theo giấy tờ pháp lý theo CMND, giấy hộ khẩu phải có thời gian như thế để chuyển đổi, bằng căn cước công dân. Đồng thời, Luật Cứ trú là triển khai dự án căn cước công dân của Luật Căn cước cũng có hiệu lực từ 1/7/2021.
Đại tướng Tô Lâm cho hay, hiện nay, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Còn 10% sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020.
Vì vậy, Đại tướng Tô Lâm mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy khi Luật Cư trú sửa đổi chính thức có hiệu lực.
“Không có thời gian chuyển tiếp sẽ bắt buộc các cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Tác giả: Hoàng Yên (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com