Bộ Trưởng Trần Hồng Hà (Ảnh: Khương Trung). |
Gặp gỡ báo chí dịp đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cải cách hành chính trong tất cả các lĩnh vực sẽ là nhiệm vụ trọng tâm nhất trong năm 2018 để giải quyết mối quan hệ tương tác, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xem xét hoàn thiện Luật Đất đai, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để có thể cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân kịp thời hơn, giảm bớt phiền hà.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo thủ tục hành chính công khai, minh bạch. Thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng được đảm bảo lợi ích các bên, giải quyết được lợi ích trước mắt cũng như dài hạn cho những người có liên quan đến đất đai. Việc đấu giá khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực sẽ được đẩy mạnh trong năm 2018.
Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng có vẻ chủ trương lớn này đang ở tình trạng “trên thì nóng, dưới thì lạnh”, nhiều địa phương tỏ ra vô cảm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trong ngành đang có tình trạng này. Một phần lý giải do nhận thức, khách quan là do năng lực nhưng cũng có nguyên nhân thiếu trách nhiệm.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện văn bản luật, trong đó làm rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và đồng thời làm rõ hơn công cụ quản lý như đánh giá tác động môi trường thực chất hơn, các biện pháp, quy trình quản lý môi trường cũng được phân loại ra đối với từng loại hình dự án. Ví dụ đối với công nghệ gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu thì phải tập trung quản lý chặt chẽ. Nhưng đối với công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại,... thì phải tạo cơ chế khuyến khích, giảm bớt thủ tục hành chính”- ông Hà nói.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả môi trường của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian tới ngành tài nguyên- môi trường phải có sự phản ứng tốt hơn, thiết lập được các cơ chế lắng nghe phản ảnh từ người dân và các cơ quan báo chí để có phản ứng xử lý kịp thời.
“Tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng trong bối cảnh khó khăn của toàn ngành. Phải huy động sự tham gia của người dân, sự giám sát của người dân và cơ quan báo chí. Đồng thời cơ quan nhà nước phải tăng cường cơ chế lắng nghe, phản hồi; tăng cường đào tạo để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý ở trung ương và địa phương”- ông Hà cho hay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tham mưu hoàn thiện cơ chế, quy chế cung cấp thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận sâu rộng đối với các lĩnh vực của Bộ một cách đa chiều và hiệu quả nhất.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí