Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên là tâm điểm của đổi mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với ngành giáo dục tỉnh Nam Định về triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo (SGK) dục phổ thông.

Sẵn sàng tâm thế đổi mới

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân của tỉnh đã cơ bản hiểu được mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện, tạo sự đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội.

Ngành Giáo dục Nam Định đã tham gia tích cực vào việc góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và hướng dẫn lựa chọn SGK ở cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện nay, tỉnh Nam Định đang tiến hành các bước tổ chức biên soạn chương trình giáo dục địa phương.

Về các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho hay, ngành đã tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu đội ngũ, trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả; đồng thời, ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới ở các cấp học. Theo kế hoạch, Nam Định sẽ hoàn thành tập huấn toàn bộ giáo viên lớp 1 trước quý III/2020.

Đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện/thành phố trao đổi tại cuộc làm việc cũng cho biết, hiện nay, các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong đó đã lựa chọn những giáo viên giỏi nhất để tham gia tập huấn bồi dưỡng chương trình. Các cơ sở giáo dục hiện đang trong quá trình đọc, đánh giá các bộ sách giáo khoa trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.

“Quan trọng nhất là “đả thông” tư tưởng của giáo viên để họ luôn ở tâm thế sẵn sàng đổi mới, trong đó cần phát huy được sức mạnh của tổ chuyên môn. Chúng tôi xác định đổi mới là quá trình khó khăn và lâu dài nhưng đây là nhiệm vụ và sẽ có rất nhiều cái được sau lần đổi mới này” - Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định chia sẻ.

Giáo viên là tâm điểm của đổi mới

Đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết 88 của tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết này là làm sao để nâng cao được nhận thức, từ đó thống nhất quan điểm hành động về đổi mới.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai Nghị quyết 88 đã được tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm, thậm chí có nhiều hoạt động đi trước lộ trình, tạo ra tâm thế sẵn sàng, quyết tâm trong đội ngũ giáo viên, tất cả vì sự thành công của phương pháp đổi mới, mang lại lợi ích cho người học, cho đất nước lâu dài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao việc tập huấn giáo viên của tỉnh Nam Định, khi lấy việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới làm căn cốt.

“Giáo viên xưa nay có tâm lý tuân thủ SGK nên chờ đợi có SGK để tập huấn. Nhưng lần này khác, giáo viên tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, tập huấn giáo viên phải theo từng module chương trình. Việc đánh giá cũng thay đổi, theo phẩm chất và năng lực của người học” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lưu ý về việc lựa chọn SGK, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có hướng dẫn, sở, phòng và các hiệu trưởng triển khai thật kỹ hướng dẫn này đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên, Hội đồng là trọng tài để minh bạch việc lựa chọn.

“Đổi mới lần này không phải là tất cả mà có kế thừa tối đa, đổi mới phương pháp là chính, đòi hỏi sự sáng tạo của người thầy. Nên trước tiên, giáo viên mới là tâm điểm của đổi mới. Phải làm sao để bước vào năm học đầu tiên đổi mới, tâm thế của giáo viên đã vững vàng, khi giáo viên vững vàng, có niềm tin, học sinh, phụ huynh và xã hội mới yên tâm được” - Bộ trưởng nêu rõ.

Tác giả: HOA BAN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP