Giáo dục

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Không thể chấp nhận giáo viên bị buộc quỳ như vậy"

“Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo… câu chuyện có lẽ từ cổ xưa không có chuyện này, hay như phụ huynh trường tiểu học bắt giáo viên quỳ, giáo viên mang thai cũng quỳ trước học sinh tiểu học… sự việc này không thể chấp nhận khi đối xử giáo viên bị buộc quỳ như vậy vì nghề giáo là nghề cao quý” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Sáng ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

Các vấn đề đạo đức nhà giáo, biên chế giáo viên, lương giáo viên, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, tổ hợp tuyển sinh,… là những vấn đề “nóng” hiện nay mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng với Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc.


Biểu dương nỗ lực đổi mới của Bộ GD&ĐT

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chuyển lời của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận nỗ lực, công sức đóng góp của cán bộ quản lý ngành giáo dục thời gian qua. Đặc biệt, ghi nhận đóng góp của cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu đổi mới giáo dục thế giới và cải cách mạnh mẽ nền giáo dục.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã đánh giá cao thành tích giáo dục trong năm qua như phổ cập giáo dục MN; đổi mới phương thức dạy học, kịp thời, chất lượng giáo dục được cải thiện ở tất cả các cấp học; Kỳ thi THPT quốc gia đã đổi mới, giảm sức ép cho thí sinh và phụ huynh; tập trung xây dựng đổi mới chương trình GDPT, Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học; quy định sửa đổi, chấn chỉnh về giáo dục đại học, sau đại học, công tác kiểm định chất lượng… đó là cố gắng lớn của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, vừa qua, Ngân hàng Thế giới khẳng định 7 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Dũng, từ ngày 1/1/2017 đến 15/3/2018, Bộ đã nhận được 684 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 525 nhiệm vụ, trong đó 51 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn và 156 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn. “Đây cũng là sự cố gắng lớn của Bộ GD&ĐT trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là vai trò cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Phải có giải pháp khắc phục vấn đề dư luận quan tâm

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT 6 vấn đề mà dư luận quan tâm cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, tổ hợp tuyển sinh đang gây xôn xao dư luận như ngành kỹ thuật, kinh tế xét tuyển tổ hợp khối C (Văn, Sử, Địa). Vấn đề này Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, xem xét kỹ, mặc dù đã tự chủ tuyển sinh nhưng cần tránh hiện tượng các trường tìm cách tuyển lấp đầy SV dẫn đến chất lượng thấp.

Thứ hai, về vấn đề biên chế giáo viên. Sự việc 500 giáo viên ở Đắc lắk mất việc; lương giáo viên hợp đồng 10 năm thấp hơn lương cơ bản… Đây không phải là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT nhưng Bộ cần có kiểm soát chung của ngành giáo dục về đổi mới ở các địa phương. Bộ GD&ĐT cần phải có chỉ đạo tầm vĩ mô để tránh tiêu cực.

Thứ ba, đó là đạo đức của nhà giáo - vấn đề nhức nhối của xã hội. Bộ trưởng Dũng cho rằng, thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng chạy điểm, chạy trường, học thêm… đặc biệt có sự xúc phạm hành hung giáo viên. Bộ GD&ĐT phải có thái độ lên tiếng, chấm dứt hiện tượng này.

“Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo… câu chuyện có lẽ từ cổ xưa không có chuyện này, hay như phụ huynh trường tiểu học bắt giáo viên quỳ, giáo viên mang thai cũng quỳ trước học sinh tiểu học… sự việc này không thể chấp nhận được khi đối xử giáo viên như vậy vì nghề giáo là nghề cao quý” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Thứ tư, việc công nhận chức danh GS,PGS, Bộ trưởng Dũng cho rằng, việc xem xét, công nhận là trách nhiệm của Hội đồng chức danh GS nhà nước và của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải công khai minh bạch để xã hội biết.

Thứ năm, Bộ trưởng Dũng cho biết, sau khi Thủ tướng làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng… với quyết tâm xây dựng các trường có thương hiệu xứng tầm quốc tế thì đến nay Thủ tướng chưa nhận được báo cáo về tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các địa phương để tiến hành nhanh việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư…

Thứ sáu, về công tác cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT, theo Bộ trưởng Dũng, Thủ tướng ghi nhận đánh giá cao đổi mới tích cực của Bộ GD&ĐT thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đổi mới đó cần quyết liệt hơn nhất là trong đổi mới hành chính, thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông vì kết quả hiện nay chưa hiệu quả so với các bộ khác.

Cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT là tình hình rà soát, lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2018, Bộ GDĐT nhận được 684 nhiệm vụ (giao trong văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản mật, tối mật, tuyệt mật, văn bản chỉ đạo, điều hành...). Kết quả đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó có 51 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn); đang triển khai (trong hạn) 156 nhiệm vụ.

Theo đó, trong năm 2017, Bộ GDĐT đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT, dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện; đơn giản hóa 16 điều kiện). Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số ĐKKD mà Bộ GDĐT đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, có thể thấy phương án của Bộ GD&ĐT đặt vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa là chưa sát, chưa thực chất. Cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa nhất có thể. Không dùng các cụm từ khó hiểu để cán bộ thi hành công vụ vận dụng tự do mà phải lượng hóa, không đưa ra các tiêu chí chung chung.

Bộ trưởng Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư, đây chính là dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế-xã hội chứ không dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng hay ưu đãi để tăng trưởng.

Năm qua, Bộ GD&ĐT đã giảm từ 23 đơn vị hành chính (vụ, cục và tương đương) xuống còn 21 đơn vị hành chính (giảm 02 đơn vị và 08 vị trí lãnh đạo cấp vụ);

Sắp xếp lại từ 25 phòng thuộc vụ, Thanh tra, Văn phòng xuống còn 10 phòng, giảm 15 phòng (là một trong hai Bộ duy nhất không còn phòng trong vụ, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về tinh giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy công vụ); Các phòng trong các cục giảm từ 24 phòng xuống còn 17 phòng, giảm 7 phòng. Giảm 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP