Hiện vẫn đang thua lỗ trầm trọng sau hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu. |
Chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sáng ngày 4/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi về việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines.
"Hiện nay tái cơ cấu đạt hiệu quả đến đâu? Số nợ còn tồn tại đến giờ tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Liệu Bộ trưởng có giải pháp gì để sang kỳ họp sau đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước không còn thấy con số nợ này tiếp tục tăng lên", đại biểu Hiếu nói.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Trong thời gian vừa qua chúng tôi tái cơ cấu Vinashin, Vinalines. Vinashin hiện nay sau khi tái cơ cấu, đánh giá là chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ cũng đã thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những dự án có sai phạm của Vinashin".
Còn đối với Vinalines, Bộ trưởng Thể cho biết, sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018 lãi là khoảng 700 tỷ đồng, hiện nay đang chuẩn bị để cổ phần hóa Vinalines.
Không trả lời cụ thể về con số nợ của Vinashin nhưng người đứng đầu ngành giao thông khẳng định: "Còn nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh, do đó hiện nay tôi nghĩ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thường xuyên đề xuất các giải pháp, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ".
Trước đó, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 diễn ra sáng nay ngày 22/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu tình trạng đáng quan ngại về tình hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, kết quả giám sát cho thấy vẫn còn nguyên đó những vấn đề phải giám sát từ Quốc hội khoá XII đến nay, trong đó những tồn tại hạn chế, thậm chí cả những doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, nợ xấu rất nóng của thời kỳ từ Quốc hội khoá XII.
Đáng lưu ý, đại biểu nêu ví dụ cụ thể với trường hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin - nay đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ - SBIC). Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu được thông qua từ năm 2012-2013, trong đó đề ra tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay tình hình càng trầm trọng hơn.
"Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn lỗ thêm 5.000 -7.000 tỷ đồng và quan trọng là không có hướng ra, tái cơ cấu không bám sát đề án. Rõ ràng khâu thực hiện có vấn đề và là căn bệnh mãn tính, nếu không điều chỉnh sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển", ông Thường cho biết.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí