Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg, người đứng đầu ngành giáo dục Thái Lan thành thật thừa nhận họ đang chật vật để đuổi kịp những quốc gia khác trong khu vực khi nói đến cải cách giáo dục.
Khi cân nhắc nhiệm vụ tạo ra động lực lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan - ông Teerakiat Jareonsettasin đưa ra một câu hỏi: Liệu người ta thích một chiếc xe điện được làm ở Thái hay một chiếc do Tesla sản xuất?
"Bạn đang mơ à? Chúng tôi thậm chí còn không thể làm ra một chiếc xe máy", ông Teerakiat nói với Bloomberg.
Là Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 của Thái Lan trong vòng 17 năm, ông Teerakiat cho biết nước này đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách kỹ năng với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thách thức của Thái Lan là rất lớn: Xứ sở chùa vàng xếp hạng 54 trong tổng số 70 quốc gia theo kết quả chương trình Đánh giá học sinh Quốc tế 3 năm một lần (PISA) mặc dù giáo dục nhận được khoảng 1/5 trong 2,73 nghìn tỷ bạt (tương đương khoảng 81 tỷ USD) tổng ngân sách hàng năm, một trong những khoản chi tiêu lớn nhất nước. Singapore là nước dẫn đầu trong đánh giá PISA, với Nhật Bản đứng thứ 2, thứ 4 là Đài Loan, Trung Quốc xếp 6 và Việt Nam xếp thứ 8.
"Bất cứ điều gì chúng tôi từng làm đều không mang lại kết quả", ông Teerakiat chia sẻ. Điểm số của học sinh trong môn toán, khoa học và văn của Thái giảm mạnh kể từ cuộc khảo sát 2012, xuống thấp hơn mức trung bình quốc tế.
Không chỉ nhắc đến Việt Nam trong bảng xếp hạng PISA, người đứng đầu ngành giáo dục Thái Lan còn cho rằng, Việt Nam tốt hơn hẳn Thái Lan ở bộ máy giáo dục. Cụ thể, bộ máy giáo dục của Việt Nam gọn nhẹ gấp rất nhiều lần so với bộ máy quan chức giáo dục tại nước này.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan thẳng thắn đối sánh trong buổi trả lời phỏng vấn hôm 12/7 vừa qua: "Chúng tôi có 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường học", Bộ trưởng Teerakiat nói, cho thấy một trong những trở ngại chính đối với cải cách có thể chính là quy mô cồng kềnh của Bộ Giáo dục. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 70 người làm công việc tương tự trong bộ này”.
Bên cạnh đó, ông Anip Sharma, Phó Chủ tịch của Parthenon - EY, phụ trách khu vực Đông Nam Á về tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục cũng chỉ ra rằng các nước lân cận như Việt Nam làm tốt hơn nhiều trong việc khuyến khích tư duy mới trong nhiều lĩnh vực mặc dù nghèo hơn Thái Lan.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Teerakiat, người có kiến thức về tâm thần học ở trẻ em và thanh thiếu niên, nói rằng, một vấn đề khác của giáo dục Thái Lan nói riêng và xã hội nước này là nạn tham nhũng.
"Nếu giống như các chính trị gia trước đây, tôi sẽ là người giàu nhất trong tháng này", ông nói, và giải thích rằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có quyền quyết định đối với khoảng 4 tỷ bạt vốn ngân sách giáo dục còn chưa được tiêu hết.
Người đứng đầu ngành giáo dục nước này cho biết: Một chiến lược từ dưới lên cho phép các trường học và các trường đại học quyền tự quyết để đưa ra các giải pháp là cách tốt nhất. Nguyên tắc này cũng nên áp dụng cho đào tạo giáo viên bởi vì hệ thống đó đã phải gánh chịu những hậu quả của quá trình lập kế hoạch tập trung cứng nhắc làm “xói mòn” phẩm giá của các giáo viên.
Ông Teerakiat đã công bố một hệ thống học trình mới vào đầu tháng này, theo đó các trường đại học và cao đẳng có thể áp dụng các chương trình riêng và các giáo viên tiềm năng có thể tự do lựa chọn các lĩnh vực họ muốn được đào tạo. Ông cũng yêu cầu cơ quan bộ đưa ra kế hoạch thành lập bộ mới - Bộ Giáo dục Đại học.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan nói: "Trang web đào tạo giáo viên, thông thường chỉ có một hoặc hai lần truy cập, đó là khi gặp may mắn, thế mà riêng hôm qua (11/7) đã có 28,8 triệu lượt truy cập. Thật ngạc nhiên khi bạn áp dụng và điều khiển được cơ chế thị trường, từ bỏ cơ chế kế hoạch tập trung, sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên, mọi thứ sẽ hoạt động một cách thật tuyệt vời. Điều này chưa bao giờ xảy ra ở Thái Lan".
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí