Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục giải thích lộ trình đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2

Tại hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020", Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp cho nhiệm vụ quan trọng này.

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó ban thường trực đề án cho biết, mục tiêu trong giai đoạn này là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 3, 70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025 sẽ phổ cập dạy tiếng ANh trong trường phổ thông.
20160726092244 diem8
Phổ điểm môn tiếng Anh của thí sinh dự kỳ thi xét tuyển ĐH năm 2016. Nguồn: Bộ GD-ĐT

Đối với đào tạo nghề nghiệp, sẽ tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ theo các mốc: Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc VN và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT xác định các nhóm trọng tâm là bồi dưỡng giáo viên thực chất thông qua đầu mối là trung tâm ngoại ngữ của các trường đại học ngoại ngữ; tổ chức nguồn học liệu hiệu quả từ nhập khẩu trực tiếp giáo trình nước ngoài, đào tạo tạo trực tuyến và tổ chức khảo thí đảm bảo chất lượng.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, Bộ GD-ĐT đã đưa ra ý tưởng "xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2". Cụm từ này không xuất hiện trong văn bản chính thức là Chỉ thị về 9 nhiệm vụ năm học mới, nhưng vẫn được nhắc lại tại hội nghị lần này, trong lộ trình "phổ cập giáo dục tiếng Anh các cấp học, tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam".

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là “mục tiêu ở thì tương lai xa, đưa ra có tính chất định hướng".

"Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được. Ở Singapore, từ khi Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành "ngôn ngữ thứ 2", phải mất gần 40 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh".

Người đứng đầu ngành giáo dục nói thêm, mục tiêu này không thể đạt được trong vòng 10 năm, 20 năm - nhưng khoảng thời gian này sẽ là sự chuẩn bị dần. Còn nhiệm vụ của năm tới là củng cố, rà soát những việc đang làm. Đây là công việc dài hơi, mỗi bước đi cũng cần có nhìn nhận thấu đáo để tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, hiệu quả thấp.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật thông tin của buổi hội thảo quan trọng này.

Tác giả bài viết: Hạ Anh - Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP