Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ đã coi trọng việc gắn kết hợp tác giữa các DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức. Trong đó “hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại DN” là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các trường dạy nghề.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
Sinh viên ra trường có việc làm ngày càng tăng
Một số DN đã hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; cử chuyên gia đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy; cấp học bổng cho sinh viên.
“Ngày càng có nhiều trường ký hợp đồng đào tạo với DN, cam kết mức lương tối thiểu, ra trường có việc làm với sinh viên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngày càng tăng lên, trong năm 2016 là khoảng 70%”, Bộ trưởng Dung nói.
Về cải cách hành chính, Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết, bản thân ông đã xung phong làm trưởng ban cải cách hành chính, công nghệ thông tin.
Đến tháng 12 này, một số lõi cơ bản của ứng dụng CNTT sẽ bắt đầu vận hành. Hết 2018, những lĩnh vực cơ bản (ít nhất 5 lĩnh vực) sẽ được tích hợp vào hoạt động. Trong đó có các vấn đề việc làm, an toàn lao động, quản lý lao động ngoài nước, người có công và dạy nghề.
Bộ cũng rà soát lại toàn bộ chỉ số cải cách hành chính. Bao nhiêu năm nay các DN xuất khẩu lao động không xem xét xử lý, nhưng 6 tháng vừa qua Bộ đã "ra tay". Một mặt tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động, phát triển DN mới, mở thị trường mới, một mặt chấn chỉnh các DN.
"Vừa rồi có 9 DN bị đình chỉ, thu hồi hàng chục tỷ đồng tiền phạt. Trong đó có 2 công ty kiện tung trời, tôi bảo Bộ sẵn sàng ra toà nếu sai, nhưng chắc chắn không sai. Tất cả vì đảm bảo quyền lợi cho người lao động", ông khẳng định.
Thực hiện lời hứa khi trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên chất vấn của UB Thường vụ QH khóa 14 về việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với một số quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Dung cho biết Bộ đã đàm phán với bạn và có kết quả khả quan.
Cụ thể, từ tháng 8/2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Lý do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao, lên đến 55% vào cuối năm 2011, đầu năm 2012.
Ngày 17/5/2016, phía bạn đã ký bản MOU bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn. Tuy nhiên, số lao động bỏ trốn ở lại sau đó vẫn rất lớn nên Hàn Quốc yêu cầu phải rà soát hàng năm.
Ngày 28/3 vừa qua, Bộ thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên, thuộc 12 tỉnh, thành phố.
Với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm ngoái, Hàn Quốc nhất trí không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong ngành ngư nghiệp năm nay, tương tự như năm 2016.
Theo ông, việc tạm dừng này chỉ áp dụng với lao động mới. Những lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn và người lao động ở lại bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước từ ngày 1/4/2016 đến hết ngày 31/12/2016 dù thuộc các địa phương bị tạm dừng nêu trên vẫn được tiếp tục đăng ký thi tiếng Hàn để quay lại làm việc tại Hàn Quốc.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet