Phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 chiều ngày 19/1, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng, công việc ngành tổ chức xây dựng Đảng còn nhiều bộn bề phải làm, phải bàn.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017. |
Không có “chạy chức” ở Trung ương
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII như bám sát cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, tăng cường vai trò của người đứng đầu cũng như mối quan hệ của cấp uỷ, tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng…
“Liên quan tổ chức, nhân sự là rất nhạy cảm mà không có sự tranh thủ, không có sự lãnh đạo, không làm việc đầy đủ thì thiếu thông tin. Thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích.
Nói về việc trong năm 2017, ở cấp Trung ương đã bầu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển hơn 400 nhân sự, trong đó có 5 Ủy viên Bộ chính trị, Ban Bí thư; 3 Bộ trưởng và tương đương; 8 Bí thư tỉnh, thành… ông Phạm Minh Chính cho biết: “Việc bố trí lại các Uỷ viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. Làm thế để đánh giá xem mức độ đồng thuận đến đâu, nhất là với các vị trí nhạy cảm, then chốt. Từ cách làm đó cộng với nguyên tắc công khai minh bạch đã tạo ra không khí dân chủ nhưng không tạo ra… chạy”.
Ông Chính chỉ tõ, việc đưa ra quy trình 5 bước cải tiến cộng với việc thông tin, cách làm đổi mới, sáng tạo, từ đầu khoá XII đến giờ, việc bố trí cán bộ “không biết phía dưới thế nào nhưng ở Trung ương không có chạy”.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khái quát, 3 bài học đầu là 3 vấn đề đặt trong một chỉnh thể, không thể tách rời.
“Chúng ta xây dựng bộ máy tinh gọn, hệ thống vận hành thông suốt nhưng chúng ta phải bố trí đúng con người. 3 điều này làm hệ thống chính trị phát triển bền vững, ổn định và có hiệu quả. Tất cả việc này đều dưới sự chỉ đạo cấp uỷ mà cấp uỷ lơ là thì bộ máy rệu rạo, cơ chế vận hành cũng không phù hợp, trục trặc, bố trí con người sai. Cả 3 cái này kéo hệ luỵ rất lớn", ông lưu ý.
Loay hoay kỷ luật là khoanh vòng kim cô
Về bài học thứ 4, ông Chính lưu ý là phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tôn trọng và bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật để tham mưu và tổ chức thực hiện. Trong đó ông nhấn mạnh đến vấn đề phân cấp, phân quyền, TƯ chỉ làm cấp trực thuộc TƯ, cấp trực thuộc TƯ làm xuống cấp huyện, cấp huyện làm xuống cấp cơ sở.
"Như thế mới phân cấp, mới quy định trách nhiệm rõ ràng, sát thực tế. Bây giờ 1 Vụ Tổ chức cơ sở Đảng trên này có 7-8 cán bộ phải nghĩ ra cho mười mấy ngàn tổ chức cơ sở đảng làm sao làm hết được", ông dẫn chứng và nhấn mạnh phải thực hiện phân cấp từ tư duy này.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý: “Phân cấp phân quyền chính là chỗ này, kiểm soát quyền lực cũng chính là chỗ này”.
Bài học thứ 5, phải thường xuyên chăm lo tinh thần, vật chất của cán bộ, công chức, người lao động, quan tâm đến môi trường làm việc.
Cuối cùng, cần chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng phải đi đôi với giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và tính tích cực chủ động của mọi người, mọi lúc.
“Cứ loay hoay lúc nào cũng dùng kỷ luật, kỷ cương, bó hết cả lại, khoanh lại vòng kim cô, không có không gian cho phát triển”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ lưu ý phải phát huy tối đa sáng tạo, đổi mới.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí