Formosa Hà Tĩnh. |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2017 cơ quan này đã triển khai rà soát toàn bộ 44 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó ưu tiên sửa đổi 17 quy chuẩn theo hướng tham khảo kinh nghiệm, áp dụng tương đương với quy chuẩn của một số nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tập trung xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố, điểm nóng về môi trường.
Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, bảo đảm công ty đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức.
“Ước tính từ đầu quý III đến hết năm nay đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn thép, đóng góp khoảng 0,12% vào tăng trưởng GDP của năm 2017. Qua đó cho thấy một mô hình, cơ chế mới về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi được vận hành chính thức đang hình thành và từng bước được thể chế hoá nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường”- cơ quan này nhận định.
Cũng trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đã thanh, kiểm tra, xử lý hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường; thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; quan trắc và công bố thường xuyên chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, phục vụ cho hoạt động du lịch, nuôi trông thủy sản và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Đến nay, trên cả nước đã có khoảng 110 dự án chiến lược, quy hoạch đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, gần 9.100 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1.500 dự án được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 57.900 dự án, hoạt động đầu tư đã được các địa phương xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; hơn 110 dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được Bộ thẩm định.
Ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp
Tuy vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi do hậu quả của quá trình quá chú trọng đến phát triển kinh tế chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường trong giai đoạn vừa qua.
Mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị còn lạc hậu dẫn đến công tác phân tích dự báo về thiên tai, môi trường còn hạn chế, nhất là dự báo xa, dự báo phạm vi hẹp.
Tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi. Hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các khu công nghiệp, việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thoả đáng.
Năm 2018, Bộ này sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh công tác soát ô nhiễm khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hoàn thiện kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề, xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện Kế hoạch cho 8 loại hình làng nghề trong đó áp dụng thử nghiệm việc phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí