“Cứ lần nào cho thằng bé Tuấn lên bệnh viện là 3 đứa kia đang ở nhà phải nhịn đói, hoặc ai cho gì thì ăn nấy thôi các cô ạ. Tôi nghĩ tủi lắm, các cháu chẳng có tội tình gì cả mà sao ông trời lại đày đọa chúng đến vậy?”. Bác Thía vừa khóc, vừa nghẹn ngào kể chuyện khi chúng tôi trở vào khoa Hemophylia của Viện Huyết học truyền máu Trung ương thăm 2 bà cháu. Cậu bé Tuấn (10 tuổi) sau giờ truyền thuốc được bệnh viện cho suất ăn từ thiện, còn bác Thía được người bên cạnh giường cho gói xôi nên ăn tiết kiệm từ sáng đến trưa. Khẽ lau hai hàng nước mắt đang giàn giụa, bác bảo hai bà cháu ở trên này còn có cái ăn, còn 3 đứa nữa ở nhà chẳng biết chúng sẽ ăn gì cả.
Tác Tuấn bị căn bệnh máu khó đông nên phải thường xuyên lên bệnh viện |
“Ông nhà tôi mất từ lâu, con trai đầu là Nguyễn Tác Phát mất đúng hôm mùng 1 Tết vừa rồi vì bị bệnh gan. Nó chết để lại cho tôi 2 đứa cháu là Nguyễn Tác Bình (13 tuổi) và Nguyễn Tác Phong (10 tuổi) vì mẹ chúng cũng bỏ đi từ lâu lắm rồi. Con trai thứ 2 của tôi là Nguyễn Tác Khanh, cháu bị tai nạn giao thông tưởng chết, may mà nó sống nhưng nó có làm được gì đâu, vợ nó cũng bỏ đi gần chục năm nay rồi, nên tôi cũng nuôi luôn 2 cháu là Nguyễn Tác Khanh (13 tuổi) và cháu Tuấn (10 tuổi) nên tổng cộng giờ là tôi nuôi 4 cháu”.
Vì không có tiền nên bà không cho cháu lên viện đúng theo lịch hẹn bác sĩ. |
Chân của Tuấn bị gãy từ ngày nhỏ. |
Bác Thía chậm rãi tâm sự lí do vì sao bác lại gánh gồng nuôi đến tận 4 đứa cháu, trong đó có cậu bé Tuấn mắc chứng bệnh hemophilia (máu khó đông) nên phải thường xuyên đến bệnh viện. Biết được hoàn cảnh của hai bà cháu, ThS.BS Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Hemophilya tâm sự: “Cháu Tuấn bị hemophili nhưng lại có chất ức chế (có khoảng 10-30% bệnh nhân hemophilia có chất ức chế) nên rất khó khăn trong quá trình điều trị vì rất khó cầm được việc chảy máu. Việc điều trị của cháu phải dùng thuốc liều cao với chi phí đắt hơn và dùng thuốc đặc biệt với chi phí rất tốn kém, mà các chế phẩm ấy chỉ có ở những bệnh viện lớn nên bắt buộc cháu phải lên đây. Với cháu Tuấn không được lên viện đúng như lịch mà chúng tôi đã hẹn vì bà cháu phải gom tiền trợ cấp của các cháu 3 tháng/ lần mới lên được viện. Đó là điều vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé nên chúng tôi tha thiết nhờ bạn đọc báo điện tử Dân trí giúp đỡ, hỗ trợ cho cháu”.
Bà là trụ cột cho cả 4 đứa cháu. |
Tay, chân của cháu Tuấn sưng phù lên, đau đớn. |
Lắng nghe từng lời chia sẻ của bác sĩ, hơn ai hết bác Thía hiểu được sự nguy hiểm của căn bệnh mà cháu đang mang nên cứ cúi gằm mặt, phần vì xấu hổ, phần vì bất lực không thể làm gì khác được. Giá như mẹ nó không bỏ đi, hay bố nó không bị tai nạn thì cháu Tuấn của bác cũng không ra nông nỗi này… Chí ít, cậu bé cũng sẽ được đến bệnh viện thường xuyên thay vì việc bác phải chườm đau bằng đá cho cháu ở nhà như vẫn làm bao lâu nay.
Chứng kiến hoàn cảnh bi đát của gia đình bác Thía, chú Nguyễn Đình Toàn – Trưởng thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ái ngại tâm sự: “Hoàn cảnh của bà ấy thì cả 1 vùng này ai cũng biết và thương xót. Bây giờ một mình bà ấy phải nuôi đến 4 đứa cháu nội đấy mà nghèo khổ, đói rách quanh năm”.
Bác Thía mừng vui vì nhận được hộp xôi của người cùng phòng cho. |
Thương các cháu nhưng lực bất tòng tâm, bác Thía chẳng thể làm gì hơn được nên những ngày ở trên bệnh viện bác chỉ biết tủi thân 1 mình ngồi khóc. Lo sợ cho tính mạng của Tuấn, bác lại thương xót cho 3 đứa cháu đang còn ở nhà, chúng sẽ kiếm được gì đó để ăn hay lại cứ bụng đói đến trường… Suy nghĩ ấy khiến bác đứng ngồi không yên, trong lòng lúc nào cũng sốt ruột như có lửa đốt nên lên viện lúc nào cũng lo mà ở nhà thì sợ nơm nớp.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 3171: Bác Bùi Thị Thía (thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) Số ĐT: 0396.043.830 |
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: Báo Dân trí