Thông tin trên đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong trường hợp thuế bảo vệ môi trường tăng kịch khung như đề xuất nêu tại dự thảo thì sẽ gây áp lực rất lớn lên người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vì xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, Bộ Tài chính mới chỉ đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ ngành, địa phương về điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường. Sau khi có khung, mức tăng cụ thể như thế nào sẽ do Ủy ban Thượng vụ Quốc hội quyết định.
Việc điều chỉnh khung thuế trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Thừa nhận rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm sút mạnh yêu cầu cần phải cơ cấu lại thu chi ngân sách. Tuy nhiên, ông Liêm cũng khẳng định, Bộ Tài chính không vì một khoản thu tăng lên mà để sức cạnh tranh sụt giảm.
Vị đại diện Bộ Tài chính nhận định, trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu sẽ về còn 0-5%, giá xăng dầu sẽ rất rẻ. Việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp nhằm để giá xăng dầu trong nước không thấp hơn các nước xung quanh, tránh việc buôn lậu.
Ngoài ra, ông Vũ Khắc Liêm cũng cho rằng, chưa tính toán được con số Nhà nước đầu tư cho môi trường hàng năm. Ngoài khoản đầu tư cho sự nghiệp môi trường chiếm tối thiểu 1% tổng thu ngân sách thì còn có vốn ODA và các quỹ tài trợ cho môi trường. Còn thuế bảo vệ môi trường chỉ góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, không trực tiếp chi cho môi trường nhưng hòa vào ngân sách nhà nước để chi cho nhiều nhiệm vụ khác.
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: