Kinh tế

Bộ Tài chính kiên quyết công ty đòi nợ phải có vốn 2 tỷ đồng, sếp tốt nghiệp đại học

Tại dự thảo mới công bố, Bộ Tài chính duy trì quy định mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng và điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên.

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Tài chính vừa tiếp tục công bố dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo đó, sửa đổi một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, nội dung sửa đổi không có nhiều thay đổi so với trước. Trong đó, điều kiện về vốn, tiếp tục được Bộ Tài chính duy trì quy định mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh cũng như chưa từng bị kết án.

Người giữ chức vụ quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trước đó, đóng góp ý kiến về Nghị định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ điều kiện “mức vốn điều lệ thực có đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng” với lý do "không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng".

VCCI cho rằng, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).

Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, rất ít ý nghĩa thực tiễn trong khi lại là cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp .

VCCI cũng đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.

"Chú ý là nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014", VCCI đánh giá.

VCCI đề nghị quản lý theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự chứ không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện về tài chính bởi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” hiện đã được xác định là ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP