Giới trẻ

Bố mẹ đừng biến con trẻ thành con rối

Cha mẹ nào cũng mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con và được thể hiện tình cảm yêu thương dành cho con của mình. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại mắc lỗi trong phương pháp dạy con khiến con càng trở nên ương bướng, có hành xử không tốt và chưa đúng đắn.

Dạy con là một cuộc hành trình đầy vất vả với cả cha và mẹ. Người ta hay ví việc nuôi dạy một đứa trẻ giống trồng một cái cây, để cây tươi tốt đầu tiên cha mẹ phải học cách vun xới, dọn cỏ. Để nuôi dạy 1 đứa trẻ ngoan cũng như vậy. Thế nhưng, đối một số bà mẹ Việt, dù yêu con vô cùng nhưng đôi khi lại chọn cho mình cách nuôi có thể là sai lầm.

Các bậc làm cha mẹ đừng cho rằng nhà nhà người người đều dạy con vậy có sao đâu. Ngay lúc này, hãy thay đổi quan điểm nuôi dạy con của mình để bé trở thành con người tốt hơn, và để công cuộc nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn.

Thường trong các gia đình Việt, khi có một đứa trẻ, mọi sự chú ý sẽ được tập trung vào đó. Từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, nếp sinh hoạt của toàn thể gia đình đều thay đổi theo nề nếp của trẻ. Và bên cạnh những nhu cầu chính đáng của trẻ như ăn, ngủ, vui chơi... còn có vô số những đòi hỏi của trẻ con bố mẹ Việt cũng đáp ứng hết. Đó chính là lý do khiến trẻ nảy sinh thói mè nheo, ăn vạ...

Nhiều cha mẹ thường có thói quen nuông chiều con cái và luôn đáp ứng mọi yêu cầu của bé mà không nghĩ rằng hành động này lại ảnh hưởng xấu đến trẻ sau này. Khi được đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ trở nên tự mãn, dần có thói quen chỉ biết hưởng thụ và tỏ ra bướng bỉnh, cáu giận nếu bất ngờ bị từ chối. Chính vì vậy việc cưng chiều con cái, tuy là một tình cảm thiêng liêng, nhưng nếu cưng chiều quá mức thì lại lại phản tác dụng, khiến trẻ hư hỏng. Đây là sai lầm trong cách dạy con của không ít bậc phụ huynh.

Chiều theo mọi yêu cầu của con là điều không nên.

Hẳn chúng ta không còn lạ với hình ảnh con mắc lỗi, ông bà, bố mẹ thi nhau quát mắng, thậm chí đánh đập con theo kiểu “thương cho roi cho vọt” vì nghĩ chỉ có làm vậy con mới nhớ, lần sau không mắc sai lầm tương tự. Đây là lỗi dạy con nghiêm trọng nhất mà nhiều cha mẹ Việt đang mắc phải.

Một roi của cha mẹ có thể lành trên thân thể trẻ rất nhanh nhưng lại hằn in trong trí óc, ám ảnh con tới khi trưởng thành. Thay vì đánh mắng, bạn nên ngồi lại, giải thích cho trẻ hiểu chúng sai ở đâu và tìm cách tháo gỡ.

"Thương cho roi cho vọt" là lỗi dạy con nghiêm trọng nhất mà nhiều cha mẹ Việt đang mắc phải.

Hình thức thỏa hiệp dễ gặp nhất trong các gia đình Việt đó là dùng các phần thưởng hoặc các món quà. Để dụ con ăn ngoan, giữ yên tĩnh hoặc để con nghe lời, người lớn thường hay thỏa hiệp bằng cách cho trẻ xem tivi, ipad, mua đồ chơi hay kẹo bánh... Hành động này vô tình làm hư trẻ, khiến trẻ không biết nghe lời.

Trẻ sống trong môi trường toàn sự thỏa hiệp sẽ hình thành tính thích mặc cả, luôn nghĩ mình là trung tâm và mọi chuyện luôn phải theo ý mình. Đừng dạy con như vậy. Hãy nói cho con biết rằng đó là trách nhiệm của con, nếu con muốn thứ gì, con phải làm 1 việc khác để đổi lấy.

Ví dụ như nếu con muốn mua đồ chơi, hãy dọn dẹp, giặt đồ,.. cho mẹ (không phải cho con) sau đó mẹ sẽ trả lương cho con, khi đủ tiền con có thể mua món mà con thích.

Cách ứng xử quen thuộc của bố mẹ Việt khi con bị ngã đó là: "Đánh chừa cái bàn này, tại cái bàn làm con đau này!". Chính câu nói này làm trẻ nghĩ tất cả đều do hoàn cảnh chứ không phải do mình đi đứng không cẩn thận. Lớn lên, những suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí trẻ, trẻ sẽ không biết tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm.

Trẻ sống trong môi trường toàn sự thỏa hiệp sẽ hình thành tính thích mặc cả.

Với tâm lý cho rằng trẻ con còn nhỏ thì biết gì nên nhiều bậc phụ huynh hay tự ý làm theo ý mình mà không bận tâm đến suy nghĩ của con trẻ. Từ chuyện ăn, chuyện mặc cho đến chuyện vui chơi hay quyết định một vấn đề nào đó, việc không tôn trọng suy nghĩ của trẻ con khiến trẻ cũng không biết tôn trọng ý kiến của người khác.

Theo các chuyên gia, đây là sai lầm trong cách dạy con vô cùng nguy hại cha mẹ nên tránh. Cách dạy con này sẽ khiến trẻ luôn sống trong trạng thái căng thẳng, không thể vui vẻ, thoải mái để phát triển hết khả năng của mình.

Thay vì ép con làm theo ý mình, cha mẹ hãy học cách tôn trọng ý kiến của trẻ, luôn tâm sự, trao đổi với trẻ về tất cả những vấn đề trong cuộc sống, việc còn lại hãy để trẻ tự lựa chọn, tự quyết định. Sự tự chủ đi kèm với giảng dạy này sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần, tăng cường tính tự lập và khả năng chịu trách nhiệm về những gì liên quan đến trẻ.

Vì quá thương con mà rất nhiều bố mẹ Việt mắc phải sai lầm bao bọc con quá kĩ. Khi còn nhỏ thì không dám cho con ra ngoài, khi lớn thì không để con va vấp với những khó khăn... Sai lầm này dễ khiến con mãi là những đứa trẻ chưa lớn: yếu đuối, ích kỷ, sống ỷ lại vào người khác. Đôi khi còn còn cản trở sự tự lập, trưởng thành của trẻ.

Đừng so sánh con mình với ''con người người ta''.

Trong suy nghĩ của không ít ông bố bà mẹ Việt, "con nhà người ta" là thước đo cho con mình cần noi theo. Bố mẹ Việt thường xuyên so sánh con mình với con người khác, coi thành tích của những đứa trẻ khác là mục tiêu con phải đạt được.

Mỗi lần con mắc lỗi, bố mẹ Việt đặt trẻ lên “bàn cân” để trách móc, mỉa mai. Tuy việc so sánh này của các ông bố, bà mẹ là nhằm mục địch giúp con biết nhìn bạn nhìn bè để cố gắng, nhưng điều này sẽ chẳng thể có được khi việc so sáng trở thành tâm nguyện này của các ông bố, bà mẹ sẽ không bao thành hiện thực nếu mẹ cứ so sánh con quá nhiều. Thay vào đó, hãy học cách hiểu và nhìn nhận con với những giá trị của chính con. Hãy giúp trẻ học cách đối mặt với khó khăn và tìm kiếm thành công từ những khả năng tiềm tàng của mình.

Tác giả: Thục Nguyên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: dậy trẻ , bố mẹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP