Không có bố mẹ ở nhà nấu cơm, trưa muộn hai chị em Nhàn phải tự lo cho mình |
Mẹ bỏ đi biệt tích khi Tuấn mới 3 tuổi, mấy năm sau bố cũng bỏ đi không tin tức. Thời gian đầu 2 bên ông bà nội ngoại chăm nuôi 2 chị em, nhưng sau đó, do hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không thể kham nổi. Từ đó, 2 chị em tự chăm sóc, nương tựa vào nhau sống trong căn nhà tồi tàn nằm chơ vơ bên rìa cánh đồng của bản.
Hai chị em sống trong cảnh “bữa đực bữa cái”, nhiều bữa phải ăn mấy thứ củ quả hái được trong vườn, ngoài cánh đồng. Cứ một buổi đi học, một buổi Tuấn lại mang cần câu ra hồ gần nhà câu cá. Được cá to, có người mua em bán, còn lại mang về cải thiện bữa ăn. Nhiều hôm trong nhà không còn gạo và mì tôm, ngoài vườn không có củ quả gì ăn, chị em lại sang nhà bà nội “ăn chực”.
Mặc dù phải sống trong cảnh bơ vơ, khốn khổ như vậy nhưng 2 chị em, đặc biệt là Nhàn học rất giỏi. Vì thế, bà nội và người chú ruột đã chung tay mỗi năm đóng hơn 2 triệu đồng tiền học để các cháu không phải bỏ học giữa chừng.
Căn nhà tồi tàn nơi chị em Nhàn sống với nhau |
Từ khi biết hoàn cảnh khốn khổ của 2 em, các thầy cô giáo ở Trường THPT Quế Phong và THCS Mường Nọc đã chung tay giúp đỡ Nhàn và Tuấn rất nhiều. Mỗi dịp Tết các em được tặng quần áo mới, bánh kẹo,… Một số thầy cô ở cùng bản Hăn khi đi chợ về thường mang sang cho khi con cá, lúc miếng thịt. Các vật dụng như bàn ghế, bát đũa,… không dùng nữa thì mang đến “trang bị” cho chị em Nhàn. Các bạn cùng học với Nhàn lâu lâu lại góp mua cho chị em Nhàn thùng mì tôm. Các gia đình trong bản Hăn cũng thường giúp đỡ khi mớ rau, cân gạo,…
Vào mùa giáp hạt là lúc trong nhà chị em Nhàn có nhiều gạo nhất, vì được nhận gạo cứu đói. Trong nhà bây giờ, giá trị nhất và được 2 chị em quý nhất là chiếc xe đạp. Chiếc xe này là quà tặng học bổng cho Nhàn khi em học lớp 5.
Khi chúng tôi đến nhà thì Tuấn đang ngồi ngoài thềm đợi chị đi học về. Mặc dù học lớp 6 nhưng người Tuấn nhỏ oắt, gầy gò. Chúng tôi trêu sao không nấu cơm mà phải đợi bắt chị nấu, Tuấn lí nhí trong miệng “không còn gạo ạ”. Xem trong nhà thì gạo hết, chỉ còn một gói mì tôm.
Đợi đến quá 12 giờ trưa mới thấy Nhàn lủi thủi về. Hỏi chuyện, bất ngờ cháu bật khóc nức nở: “Hôm nay cháu phải làm kiểm tra nên về muộn. Cháu ghen tị với các bạn cháu. Giờ ni các bạn cháu có bố mẹ nấu cơm đợi về ăn, còn chị em cháu phải đợi nhau. Mà cháu về muộn thì em cháu đói. Chị em cháu chỉ ước, chỉ muốn biết bây giờ bố mẹ đang ở đâu, bố mẹ về với chị em cháu!”.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác bạn đọc – Chương trình xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 TPHCM. ĐT (028)22111263. Hoặc chuyển qua tài khoản của Báo SGGP: 310.10000.231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM.
Tác giả: DUY CƯỜNG
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng