Trong nước

Bộ GT-VT xin ngân sách 4.210 tỉ sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Ước tính cần khoảng 4.210 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Bộ GT-VT đưa ra 2 phương án: ngân sách hoặc nguồn thu từ hoạt động của sân bay.

Một đoạn đường lăn sân bay Nội Bài - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Do khai thác vượt tần suất và vượt áp suất bánh hơi thiết kế, một số đường băng ở sân bay Nội Bài bị hư hỏng như mặt đường bong bật, nứt vỡ, co giãn, lún và phùi bùn. Một số đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng rạn nứt, biến dạng, hằn vệt bánh xe...

Nhận định những hư hỏng này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác bay, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa, Bộ Giao thông vận tải cho rằng nếu chỉ duy tu, sửa chữa cục bộ thì chỉ có thể khai thác tạm thời, ngắn hạn.

Bộ này đề xuất với Chính phủ cần có phương án cải tạo, nâng cấp tổng thể, không chỉ để khắc phục các vấn đề trên, mà còn để đáp ứng yêu cầu khai thác thực tế với các dòng máy bay thế hệ mới có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn.

"Không sớm cải tạo, nâng cấp mà tiếp tục duy trì khai thác các đường băng và đường lăn trên tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, dẫn đến có thể phải đóng cửa khai thác các đường băng và đường lăn", Bộ GT-VT nhấn mạnh.

Chi phí cho việc cải tạo, nâng cấp này, theo Bộ GT-VT dự kiến khoảng 4.210 tỉ đồng.

Tuy vậy, Bộ GT-VT cũng cho biết về tình hình tài chính của bộ: Đến thời điểm này, tổng giá trị dự phòng thuộc 10% vốn dự phòng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cho các dự án ODA của Bộ GT-VT là 3.689 tỉ đồng.

Số tiền này chỉ đủ để trả một phần nhỏ nợ các dự án ВТ và bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA, không còn để đầu tư, cải tạo đường băng.

Vì vậy, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ số tiền dự kiến cần cho việc cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước như trên, Bộ GT-VT đề nghị Thủ tướng xem xét phương án cho "sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện các dự án cấp bách nêu trên, thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước như giai đoạn trước 31-12-2017 đã được Thủ tướng chấp thuận hoặc sử dụng Quỹ đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư như kiến nghị của ACV trước đó".

Cụ thể về hai phương án này, Bộ GT-VT cho biết: Trước khi ACV cổ phần hóa, doanh nghiệp này có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các tài sản khu bay (đường băng, đường lăn...).

Sau khi ACV cổ phần hóa, tài sản khu bay do nhà nước quản lý nên trách nhiệm bố trí vốn đầu tư là của nhà nước.

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định 44/2018/NĐ-CP ngày 13-3-2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và ACV chưa được giao quản lý, sử dụng và khai thác khu bay, để hoạt động khai thác diễn ra liên tục, đảm bảo an ninh, an toàn, AVC đã thực hiện tạm việc ghi thu, ghi chi ngân sách cho hoạt động khai thác tài sản khu bay, bao gồm các khoản chi thường xuyên cho khu bay.

Việc thực hiện ghi thu - ghi chi đối với hoạt động khu bay đã được Thủ tướng chấp thuận đến hết ngày 31-12-2017.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết cần khoảng 256 tỉ đồng để đầu tư hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra cho 12 cảng hàng không khác.

Hệ thống này ở các sân bay trên hiện chưa khép kín, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng người, gia súc có thể xâm nhập vào khu bay, gây uy hiếp an toàn hàng không.

Tác giả: TUẤN PHÙNG

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP