Giáo dục

Bỏ điểm sàn ĐH, chất lượng có giảm?

Theo đại diện các trường ĐH, Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 có nhiều điều chỉnh hợp lý hơn nhưng vẫn cần xem xét lại một số điểm.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Sẽ có trường lấy điểm chuẩn thấp hơn mức sàn ?

So với trước đây, một điểm mới hoàn toàn ở dự thảo này là cho phép các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ nhóm trường đào tạo giáo viên). Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng quy định “mở” này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh đầu vào. Xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Tuy nhiên, ông Nhân băn khoăn: “Quy định này sẽ có một điểm bất lợi vì sẽ khó quản lý chất lượng đầu vào. Chắc chắn sẽ có trường hạ điểm trúng tuyển xuống mức thấp hơn điểm sàn tối thiểu các năm để thu hút người học”.

Ông Nhân cho biết: “Tự chủ là điều đương nhiên cần làm nhưng trong điều kiện thực tế nền giáo dục trong nước thì đây sẽ là bài toán khó trong việc quản lý chất lượng đào tạo. Đặc biệt có những trường chỉ vì lợi nhuận, để thu hút nhiều người học thì quy luật tất yếu là giảm điểm chuẩn, chất lượng người học sẽ ảnh hưởng. Do vậy, một khi đã thả lỏng đầu vào thì chỉ còn cách kiểm soát chất lượng đầu ra”.

Giảm điểm ưu tiên là hợp lý nhưng chưa đồng bộ

Điều chỉnh đáng chú ý ở dự thảo này còn ở giảm điểm ưu tiên khu vực xuống còn 0,25 thay vì 0,5 như trước đây. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đánh giá cao sự thay đổi này.

Ông Vũ nói: “Chính sách ưu tiên khu vực cần được duy trì để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh (TS) có điều kiện sinh sống và học tập khác nhau. Nhưng với mức được cộng thêm giữa các khu vực cách nhau 0,5 điểm là quá nhiều. Vì vậy việc giảm điểm này là hợp lý”.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết nội dung này được các trường góp ý nhiều năm nay, nhưng đến giờ mới có dấu hiệu tiếp thu của Bộ GD-ĐT. “Vì mức điểm chênh quá lớn nên năm ngoái Trường ĐH Y Hà Nội có chưa đến 30 em không được cộng điểm ưu tiên nào trong số nghìn em trúng tuyển. Năm ngoái cũng là năm đầu tiên không một học sinh chuyên sinh nào của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trúng tuyển vào ngành y đa khoa của trường. Hy vọng chính sách rút ngắn điểm chênh khu vực năm nay thành hiện thực, để tạo cơ hội đỗ vào trường y cho nhiều học sinh thực sự có điểm thi cao hơn”, ông Hinh nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng nay khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu vùng xa... đã thu hẹp, nên mức chênh lệch còn 0,25 điểm là hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Cổ Tấn Anh Vũ, song song với việc giảm điểm này, Bộ cần thực hiện rà soát, sắp xếp lại các khu vực theo mức ưu tiên hợp lý hơn với điều kiện kinh tế xã hội các vùng miền. “Giảm điểm nhưng vẫn duy trì danh mục khu vực ưu tiên như cũ thì chính sách vẫn chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo được công bằng”, thạc sĩ Vũ nhận xét.

Thay đổi điểm làm tròn công bằng hơn cho thí sinh

Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho rằng dự thảo cho thấy Bộ đã thực sự lắng nghe, tiếp thu đề xuất của các trường về những bất hợp lý trong quy chế hiện hành. Ông Thực nêu ví dụ: “Theo quy chế hiện hành, quy định là chỉ làm tròn điểm xét tuyển đến 0,25. Còn dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế là điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Quy định mới sẽ giúp cho việc xét tuyển của các trường đảm bảo công bằng cho TS, hạn chế tình huống TS có điểm thi cao hơn vẫn trượt, còn TS điểm thấp hơn lại đỗ như năm 2017”.

Quan điểm này cũng được thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, đồng tình. Theo ông Tuấn, năm nay với mức chênh lệch chi tiết như vậy, các trường sẽ rất thuận lợi trong việc xác định điểm chuẩn.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia quy định bài thi tự luận được chấm theo thang điểm 10 và điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân, trong khi năm trước lấy đến 0,25 không quy tròn điểm. Sự thay đổi này là phù hợp và công bằng đối với TS. Điều này cũng giúp cho việc xét tuyển của các trường dễ dàng hơn do số lượng TS đồng điểm ít đi. Tuy nhiên, chính vì độ chính xác cao như vậy nên sẽ có trường hợp TS chỉ thiếu 0,01 điểm có thể không trúng tuyển vào một ngành nào đó, trong khi năm 2017 điểm chuẩn các trường thường lấy tới 0,25. Vì vậy khi xét tuyển, sau khi cộng 3 môn trong tổ hợp, điểm tổng đó nên làm tròn tới bước 0,25.

Tuy nhiên, ông Trần Khắc Thạc, Phó phòng đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi, cho rằng quy định làm tròn điểm mà Bộ dự kiến thay đổi tuy hợp lý nhưng không thực sự cần thiết. Ông Thạc nói: “Điều này chỉ một số trường tốp trên, có một số ngành có số lượng TS đăng ký xét tuyển nhiều, mới cần dùng chứ với đại đa số các trường quy định hiện nay không ảnh hưởng gì”.

Cần phân biệt thứ tự nguyện vọng khác nhau trong cùng một ngành

Một số chuyên gia đề nghị đưa điều này vào trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay. Theo đại diện các trường, việc cho phép TS đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và không phân biệt thứ tự nguyện vọng đăng ký trong cùng một ngành là tạo cơ hội lựa chọn tối đa cho TS. Tuy nhiên, nếu có sự phân biệt giữa các thứ tự nguyện vọng trong cùng một ngành, chắc chắn TS sẽ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Vì thực tế năm qua cho thấy có những TS vẫn cố gắng để tìm bằng được một chỗ ngồi trong giảng đường ĐH. Vì vậy cần có quy định ưu tiên hơn cho TS đăng ký xét tuyển bằng nguyện vọng 1. Ở những nguyện vọng còn lại, điểm trúng tuyển có thể cao hơn hoặc cần thêm tiêu chí phụ khi xét trúng tuyển.

Tác giả: HÀ ÁNH - QUÝ HIÊN - MỸ QUYÊN

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP