Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan về dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương. Theo đó, bộ này đề xuất xếp 13 thông tin, tài liệu vào danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật của ngành. Có 30 thông tin, tài liệu được đề xuất xếp vào danh mục bí mật Nhà nước thuộc danh mục Mật.
Đáng chú ý, trong các danh mục được đề xuất xếp vào danh mục mật có báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố.
Một số danh mục khác cũng nằm trong diện mật như: Phương án tổ chức bộ máy, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ, hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp Vụ và tương đương trở lên, tài liệu quy hoạch cán bộ, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong ngành công thương chưa công bố; Hồ sơ, tài liệu, thông tin về hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong ngành công thương đang trong quá trình kiểm tra, xác minh hoặc đã kết luận nhưng chưa công bố.
Bộ Công Thương đề xuất phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố xếp vào danh mục mật |
Các hồ sơ, tài liệu thông tin về cá nhân, tổ chức (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương đang trong quá trình thu thập, thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý chưa được công bố theo quy định pháp luật cũng được đề xuất xếp vào danh mục mật.
Theo Bộ Công Thương, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 106 về Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương. Bộ Công an cũng ban hành Quyết định về Danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của ngành Công Thương. Các quy định này đã giúp cho Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.
Mặc dù vậy, sau 10 năm thực hiện, một số danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương đã thay đổi, cần được cập nhật thay thế cho phù hợp quy định pháp luật, phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý về Dự thảo Quyết định Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mà bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.
VCCI đặc biệt quan tâm đến việc công khai phương án giá điện. Theo đại diện cơ quan này, hiện nay các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính. Theo VCCI, đối với mặt hàng điện thì khó xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần tăng giá.
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động