Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 20-11 với 85,77% đại biểu Quốc hội tán thành.
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương với 46 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân (CAND); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND (Điều 25.), Luật nêu rõ, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an. Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Trung tướng: Số lượng không quá 35. Thiếu tướng: Số lượng không quá 157.
Về thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm trong CAND, Luật quy định Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Công an. Thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và hạ sĩ quan, chiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Cùng ngày 20-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV tiến hành họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6.
Bầu Chủ tịch nước, thông qua 9 luật
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau gần 1 tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.
Với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này.
Thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri.
Chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được Trước đó, sáng 20-11, với 452/465 đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trước khi biểu quyết thông qua toàn dự luật, QH biểu quyết riêng 3 điều khoản luật gồm: Điều 30 - Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Điều 64 - Xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Điều 80 - Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị QH cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành, cụ thể: người ứng cử ĐBQH, ĐB Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), có ý kiến ĐBQH cho rằng việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi. |
Tác giả: Văn Duẩn
Nguồn tin: Báo Người lao động