Giọng của Thào Văn Sình (11 tuổi, thôn Năm Tầng, xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil) yếu ớt, run run khi kể lại cuộc sống của gia đình mình sau vụ hỏa hoạn cách đây chưa lâu. Đứng trước khung cảnh hoang tàn đổ nát, đôi mắt cậu bé vẫn còn rưng rưng khi đây từng là ngôi nhà nhỏ của ba mẹ con Sình.
Ba mẹ con chị Pà bên trong túp lều dựng tạm |
Sình và em gái Thào Thị Dua (9 tuổi) năm nay là học sinh lớp 3B, trường PTCS Nguyễn Khuyến. Từ ngày nhà bị cháy, hai anh em một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà thay mẹ nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau vụ hỏa hoạn. Bất kể đó là mấy viên ngói còn lành lặn, mấy chiếc bắp ngô đã ngả màu vàng ruộm hay chỉ là chiếc chai nhựa méo mó, teo tóp, hai đứa đều nhặt và xếp gọn lại xung quanh căn lều tạm. Trong khi đó, chị Thào Thị Pà (SN 1981, mẹ của hai em) dù sức khỏe yếu vẫn phải theo những người trong thôn đi làm thuê khắp nơi trong huyện. Hai anh em Sình và Dua được mẹ đưa sang tá túc nhà người cậu ruột.
Anh Thào Me Dảo (cậu ruột của Sình) cho hay, Pà là chị cả trong nhà, nhưng là người có số phận bất hạnh nhất trong gia đình anh. “Nó (chị Pà) đến tuổi lấy chồng thì bị một người đàn ông trong bản bắt về làm vợ mặc dù không có tình cảm với nhau. Năm 2004, vợ chồng nó theo chân bố mẹ tôi vào Đắk Nông lập nghiệp, những tưởng hai vợ chồng sẽ tu chí làm ăn sau khi có với nhau hai mặt con, ấy vậy mà được vài năm, lấy lý do về thăm bố mẹ đẻ, chồng nó bỏ đi biệt tích từ đó đến nay. Năm nó bỏ đi, cháu Dua mới tròn một tháng tuổi”, anh Dảo nhìn hai đứa cháu rồi lén quay đi lau vội giọt nước mắt.
Căn nhà được mua lại từ một người trong thôn, chưa kịp trả hết nợ thì đã bị thiêu rụi |
Trong lúc nói chuyện, người đàn ông này còn cho biết, căn nhà gỗ của ba mẹ con chị Pà là được mua lại của một người trong thôn. Quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào bắp trồng trên mảnh đất bạc màu nên đến nay chị Pà vẫn chưa trả hết số nợ cho người ta, mặc dù căn nhà chỉ có giá 19 triệu đồng. “Bây giờ trong nhà chị Pà tài sản duy nhất là con bò cái được người ta tặng cho. Nhưng hôm hỏa hoạn vừa rồi, do bị lửa táp phải mà nó bị cháy xém một miếng da, gần một tuần nay phải nhốt nó trong chuồng chứ không đi chăn được”.
Mặt trời lên đến đỉnh đầu, hai anh em Sình tạm gác công việc dẫn nhau vào bếp nấu cơm. Dù còn nhỏ nhưng hai anh em đã rất thạo việc, chẳng mấy chốc là nấu xong nồi cơm trưa. Khuôn mặt ủ rũ lem luốc, Sình kể lại: “Hôm xảy ra hỏa hoạn, mẹ đi chặt củi trên rừng, còn hai anh em đang chơi nhà hàng xóm. Ngọn lửa bùng phát từ chỗ bếp nấu ăn rồi nhanh chóng bén sang những tấm ván gỗ. Trời nắng nóng, ngọn lửa cháy càng dữ dội, bao quanh tứ phía, hàng xóm chỉ kịp dắt con bò ra khỏi đám cháy còn toàn bộ tài sản, sách vở, quần áo trong nhà cháu đều bị cháy hết.
Hai anh em Sình giúp mẹ nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau vụ cháy |
Sang ở nhà cậu, buổi trưa chúng cháu được ăn cơm, nhưng đến tối mẹ về thì phải ăn mì tôm hoặc mèn mén. Nhà chỉ còn ít gạo do mấy cô chú mang tới tặng sau hôm xảy ra hỏa hoạn nhưng mẹ gửi hết cho cậu để nấu cho anh em cháu ăn. Đến tối ba mẹ con chúng cháu ngủ trong chiếc lều do thầy cô trong trường dựng cho”.
Nghe tin có khách đến thăm, chị Pà bỏ công việc về nhà xem thử, nhưng phải đến gần cuối ngày người phụ nữ Mông này mới đi bộ về đến nơi. Ngồi vật xuống nền đất thở hổn hển, chị liền bật khóc nức nở: “Đời tôi đã khổ bây giờ còn khổ lây sang các con. Lâu nay sức khỏe không được tốt nên chỉ quanh quẩn ở nhà, từ ngày mất hết tài sản, tôi cũng phải gắng gượng đi theo người ta để kiếm ăn. Cố gắng lo đủ cho các cháu bữa cơm chứ không phải ăn mèn mén với cơm độn nữa, chỉ mong sao các cháu tiếp tục đến trường để thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Buổi trưa các em được ăn cơm nhưng đến tối ba mẹ con phải ăn mì tôm hoặc mèn mén |
Thầy Trần Ngọc Anh, giáo viên trường PTCS Nguyễn Khuyến cho biết, hai em Dùa và Sình là học sinh của thầy. Mặc dù không phải là học sinh nổi trội nhất lớp nhưng hai em rất ngoan và chăm chỉ. Từ ngày nhà bị cháy, tâm lý của hai em cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt là Dùa, cô bé thường xuyên mất tập trung trong giờ học.
“Ngay sau khi nhận được tin nhà của hai em bị cháy, công đoàn trường đã hỗ trợ kịp thời sách vở và ít lương thực cho các em. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng kêu gọi anh em, bạn bè, đồng nghiệp quyên góp để mua cho gia đình em một số vật dụng cần thiết như chăn màn, quần áo… đồng thời dựng tạm cho ba mẹ con một túp lều nhỏ, gọi là che mưa che nắng ngay trên nền căn nhà cũ. Tuy nhiên do đây là vùng sâu vùng xa, hầu hết hàng xóm đều là gia đình khó khăn nên cũng không giúp được gì nhiều. Hai em còn nhỏ không đi làm được nên chị Pà buộc phải gửi con cho họ hàng để đi làm thuê kiếm tiền”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Thào Thị Pà (địa chỉ thôn Năm Tầng, xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) Số ĐT thầy Trần Ngọc Anh: 01274105107 Thầy Anh là giáo viên trường PTCS Nguyễn Khuyến, chủ nhiệm của hai em Sình và Dua |
Tác giả: Thúy Diễm
Nguồn tin: Báo Dân trí