Tại hội nghị tổng kết 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 ngày 20/9, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) nhìn nhận: Luật Doanh nghiệp đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng gia nhập thị trường trong cộng đồng doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Chỉ từ 1/7/2015 đến 1/7/2016, số thành lập mới đã lên đến gần 106.000 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Hải Dương), tư duy theo luật mới chậm thay đổi dẫn đến thực thi còn nhiều vướng mắc.
Ông Hiền dẫn chứng, Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ, phải hoàn thành việc tăng vốn rồi mới đi đăng ký. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lại căn cứ Thông tư 19/2014/TT-NHNN yêu cầu phải đi đăng ký trước, sau đó mới chuyển tiền về để góp vốn được.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Chỉ từ 1/7/2015 đến 1/7/2016, số thành lập mới đã lên đến gần 106.000 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Hải Dương), tư duy theo luật mới chậm thay đổi dẫn đến thực thi còn nhiều vướng mắc.
Ông Hiền dẫn chứng, Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ, phải hoàn thành việc tăng vốn rồi mới đi đăng ký. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lại căn cứ Thông tư 19/2014/TT-NHNN yêu cầu phải đi đăng ký trước, sau đó mới chuyển tiền về để góp vốn được.
Thay đổi quy định về con dấu doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: L.Bằng
Theo đại diện Sở KH-ĐT Hải Dương, bản thân các doanh nghiệp cũng chậm thay đổi, thích ứng. Ví dụ, luật cho phép có nhiều con dấu, nhiều người đại diện pháp luật, giao quyền tự quyết 100% cho doanh nghiệp. Tuy vậy, hầu hết điều lệ công ty, ngay cả công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhiều con dấu... vẫn được soạn theo tư duy cũ, không hề có dòng nào phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng người cụ thể, cách thức sử dụng, bảo quản riêng từng con dấu.
“Giờ chưa phát sinh tranh chấp, kiện cáo. Nhưng sắp tới, tôi tin là sẽ có những rắc rối từ việc này”, ông Hiền cảnh báo.
Nguyên do chính, theo ông Hiền, là doanh nghiệp vẫn coi thường những quy định riêng của mình, vẫn nghĩ đã có nhà nước lo. Một số cán bộ nhà nước thì hiểu lơ mơ, không thuộc bài, hướng dẫn không kỹ. Nhiều khi bắt doanh nghiệp làm cái không cần, cái cần thì lại không biết để mà hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Theo đại diện Sở KH-ĐT Hải Dương, trong quá trình thực thi, nếu phát hiện lỗi cần sửa đổi kịp thời. Chẳng hạn, Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam mắc nhiều lỗi, đã được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chỉ ra tận từ thời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn đương chức. Bộ trưởng đã yêu cầu sửa đổi ngay, song đến giờ vẫn vậy.
“Hay, chỉ một chữ “Và” trong luật Doanh nghiệp 2005 ở câu “Giám đốc và những người khác phải có chứng chỉ hành nghề” mà mãi đến Luật 2014 mới sửa được”, ông Hiền chia sẻ.
Ông Bùi Anh Tuấn thừa nhận, hiện vẫn còn khó khăn vướng mắc, như một số vấn đề pháp lý còn tồn tại trong quá trình chuyển tiếp gây khó khăn trong giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, áp lực công việc với cán bộ đăng ký kinh doanh ngày càng tăng. Khối lượng công việc tăng 40% so với trước 1/7/2015. Thời gian làm việc kéo dài 10/15 tiếng/ngày tại một số phòng đăng ký kinh doanh.
Một số doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu các quy định của luật. một số cán bộ cơ quan nhà nước chưa hiểu đúng quy định và tinh thần cải cách của luật.
Những vướng mắc này đang được Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan để hoàn thiện và sớm trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về điều kiện dầu tư kinh doanh.
Tác giả bài viết: L.Bằng