Cung đường phiêu lãng
Thạnh An là xã đảo có diện tích 122,31 km² thuộc huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh hơn 70km về phía Đông. Đây là hòn đảo nổi tiếng và từng được coi là cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn - Gia Định năm xưa. Với sự tách biệt về địa lý, Thạnh An trở thành hòn đảo đẹp nên thơ bởi vẻ hoang sơ và không khí trong lành của nó.
Để đến với Thạnh An, chúng ta sẽ đi qua những cung đường rất đẹp, xanh ngút tầm mắt trong vẻ phiêu lãng, mộng mơ. Từ Sài Gòn, ra bến phà Bình Khánh, mỗi người qua phà chỉ mất có một ngàn đồng. Sau khi qua phà, chúng ta tiếp tục hành trình 36 km trên con đường Rừng Sác - con đường độc đạo nối liền Sài Gòn với Biển Đông. Hai bên đường là cánh rừng sác nguyên sinh trải dài với đủ loại cây ngập mặn tạo thành một quần thể xanh. Ở đó còn có một thế giới động vật phong phú với hàng trăm loại chim nước và động vật thủy sinh.
Bến cảng, cửa ngõ vào xã đảo Thạnh An. |
Trên con đường này ta còn bắt gặp một loại trái rất đặc biệt, đó là trái dừa nước. Từng chùm dừa nước như những quả cầu gai được người bán lần lượt tách vỏ, lấy ra cùi màu trắng đục, ngọt và thanh mát. Món dừa nước này là đồ giải khát dân dã nhưng không kém phần thú vị trên cung đường xanh. Ngồi với những người bán dừa vui tính, nhâm nhi cốc dừa nước mát lành mà thời gian chờ đò dường như ngắn lại.
Đi hết đoạn đường này, mọi người đã tới bến đò. Sóng nước chòng chành đưa ta đến với hòn đảo bình yên chỉ trong khoảng 30 phút. Trước mắt mọi người sẽ là một vùng đất trong trẻo bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng lại làm ấm lòng bất cứ ai đặt chân đến nơi đây
Một ngày ở Thạnh An
Chúng tôi đến Thạnh An vào một buổi chiều mùa hạ, khi hoàng hôn buông lấp lánh trên mặt biển như một chiếc khăn voan rực rỡ sắc màu. Những con sóng nhấp nhô đuổi nhau hồn nhiên như trẻ thơ ùa vào lòng người một sự tươi mát và bình yên đến lạ. Buổi chiều cũng là lúc người dân thu hoạch hàu. Trước đây, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển đánh cá. Nhưng nghề này nhiều khi phụ thuộc vào sự may rủi của thời tiết nên thực sự rất vất vả và bấp bênh.
Từ năm 2010, một số hộ chuyển sang nuôi hàu, đến nay cả xã đã có hơn 300 hộ nuôi hàu, với tổng diện tích mặt nước nuôi hơn 30ha. Nhiều gia đình có thu nhập khá ổn định nhờ công việc này. Mỗi chiều, từng thuyền thu hoạch hàu lại chở về đầy khoang. Việc tách hàu khỏi giá thể gọi là “đục hàu”.
Nhìn những đôi bàn tay lam lũ, cần mẫn cầm dao tách ra những con hàu vỏ cứng như đá từ những phên xi măng và nụ cười chất phác, vô tư của người dân làng biển, mới thấy nhịp sống lắng lại trong thứ hạnh phúc thật giản đơn.
Còn những người đánh bắt gần bờ thì tranh thủ lúc thủy triều xuống thu hoạch nốt những mẻ hải sản cuối cùng. Những chiếc thuyền nhỏ cập bến cũng mang theo ít hải sản, đủ để mưu sinh. Ngày nào cũng thế, khi chiều xuống, nơi đây lại nhộn nhịp, tấp nập, trên bến dưới thuyền, mỗi người một việc tạo nên bức tranh sinh động làm cho hòn đảo đã đẹp lại càng đẹp hơn trong không khí lao động khẩn trương. Mỗi người đến đây dường như đều tìm được một góc riêng bình yên cho mình, thảnh thơi ngắm nhìn cuộc sống trôi qua không phiền muộn.
Chiều trên biển Thạnh An. |
Khi ánh nắng chiều dần tắt phía cuối chân trời cũng là lúc mọi người kết thúc một ngày lao động để về nhà nghỉ ngơi. Những con thuyền neo lại trên bãi trầm tư. Màn đêm u huyền buông xuống dịu dàng, trùm lên hòn đảo nhỏ.
Bình minh trên đảo Thạnh An là một trải nghiệm thú vị với mọi người. Khoảnh khắc mặt trời ló ra khỏi ngực biển với những tia nắng đầu tiên luôn mang đến một vẻ đẹp tinh khôi, nhất là khi ta được thả hồn thư thái trên bờ kè đá dẫn ra biển. Nhiều nhóm bạn trẻ đã không bỏ lỡ khoảnh khắc ấn tượng này trên hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Sóng ào ạt và bốn bề gió lộng như ca lên khúc hát rộn ràng đón chào ngày mới.
Buổi sáng ở Thạnh An không chỉ có không khí trong lành mà các món ăn cũng rất ngon. Du khách có thể thỏa chí lựa chọn các món quà sáng dân dã và đa dạng. Tiếng rao vang lên ngọt ngào và hồn hậu, là tấm lòng chân thành và hiếu khách của người dân bản địa.
Xong bữa sáng, ta có thể đi dạo quanh làng để được hòa mình vào nhịp sống của người dân nơi đây. Trên con đường bê tông bao quanh làng, những người phụ nữ đang trộn cát và xi măng làm những giá thể hàu.
Người nuôi hàu tại xã đảo Thạnh An không cần phải chuẩn bị con giống, không cần cung cấp thức ăn cho hàu, cũng không phải mất nhiều thời gian chăm sóc do giống và nguồn thức ăn cho hàu có sẵn trong thiên nhiên. Nếu như ở một số địa phương, người nuôi hàu thả lốp xe cao su xuống biển làm giá thể cho hàu thì ở đây, người nuôi hàu đúc những miếng đan nhỏ làm từ cát, xi măng, lưới mùng, rồi đục lỗ, sau đó cột các miếng đan lại với nhau bằng dây dù, mang ra treo vào giàn phao ngâm xuống biển để nhuyễn thể hàu trôi trong nước biển bám vào và sinh trưởng, phát triển.
Ngoài việc tận dụng những vùng nước gần bờ, người dân còn làm giàn nuôi ngoài biển. Buổi sáng, sẽ rất thích thú nếu bạn được lên thuyền cùng ngư dân ra thả giá thể nuôi hàu và thăm hàu. Cứ khoảng 3 ngày, người nuôi hàu lại ra thăm hàu một lần. Giữa sóng nước lênh đênh, những giàn nuôi hàu nổi trên mặt nước thành những nét vẽ mềm mại trên mặt biển bao la. Từ đó mới thấy được lòng biển bao dung như lòng mẹ “nuôi lớn đời ta tự thuở nào” (Huy Cận). Xa xa, cánh đồng muối lấp lánh dưới ánh nắng rực rỡ làm cho khung cảnh thêm lung linh hơn.
Xã đảo Thạnh An nhìn từ trên cao. |
Buổi sáng được hít hà bầu không khí trong lành, quên đi những tiếng còi xe và khói bụi, thấy bước chân lướt đi nhẹ tênh giữa một vùng đất đẹp tươi. Thạnh An sẽ làm ấm lòng người bằng một bữa trưa với đủ các loại hải sản thơm ngon mà giá lại rẻ.
Không phải là món hải sản được chế biến từ các khách sạn hạng sang, nơi nhiều người muốn vào cũng phải ngại ngần, Thạnh An mời bạn một bữa trưa vui vẻ ở những hàng ăn dân dã với thực đơn phong phú. Hoặc bạn có thể mua hải sản sau đó nhờ người dân địa phương chế biến với khoản tiền công rất phải chăng. Riêng điều này thôi đã thấy được sự hồn nhiên và chất phác của những người dân trên đảo.
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Tuy là một hòn đảo nhỏ nhưng Thạnh An lại có lịch sử khá lâu đời. Nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, thể hiện tín ngưỡng của ngư dân sinh sống trên hòn đảo này.
Miếu Bà là nơi thờ Bà Chúa xứ, Thủy long công chúa và phối thờ năm bà ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đây cũng là miếu thờ lâu đời nhất trên hòn đảo này. Do ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo cùng với các tín ngưỡng dân gian mà ở ta, các vị thần được thờ chủ yếu là nữ, như: Thánh mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn. Bà Chúa xứ cũng là một dạng như “Phật bà Quan Âm” đối với người Việt hay “Thiên hậu nương nương” đối với người Hoa. Bà được tin tưởng đến độ có rất nhiều huyền thoại về quyền lực linh thiêng trong việc ban phúc, giáng họa cho con người.
Điều này được thể hiện ở câu đối được treo ở Miễu Bà: “Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị/ Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường”. Tạm dịch là: xin thì được, ban thì linh, báo trong giấc mộng/ (Người) Xiêm sợ hãi, (người) Hoa kính mộ, ý tứ khôn lường”.
Hằng năm, lễ hội truyền thống ngư - diêm dân và lễ hội cầu an diễn ra vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch mang lại không khí vui tươi cho người dân nơi đây. Trong tiếng chuông thanh tịnh và làn khói hương trầm ấm, những cao niên trong làng thành kính làm lễ. Hết phần lễ là phần hội. Các thanh niên trai tráng và các em nhỏ thì biểu diễn những màn múa lân rộn ràng. Còn các chị em thì có trò chơi thi đan lưới nhanh và đẹp. Từ bàn tay thoăn thoắt và khéo léo của những người phụ nữ làng biển, những tấm lưới ra đời trong tiếng hò reo cổ vũ không ngớt của mọi người.
Không chỉ đặc sắc với các nghi thức, chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội chính là nét sinh hoạt văn hóa gia đình của cư dân xã đảo. Người dân trên xã đảo khẳng định, ngày tết có thể không trở về nhưng ngày này nhất định mọi người phải có mặt. Dù ở bất cứ nơi đâu, con cháu đều trở về đoàn tụ như dịp họp mặt quan trọng nhất trong năm.
Ông Võ Thanh Tòng, một người cao tuổi của làng cho biết: “Ở đây, ngày 15, 16 tháng 10 là lễ hội cầu an, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cho dân cư trong làng, trong xã được an cư lạc nghiệp”. Ước mơ ngàn đời giản dị của người lao động đã được thể hiện qua lễ hội đặc sắc. Và đây không chỉ là dịp bày tỏ lòng biết ơn với Mẹ thiên nhiên, là dịp hội ngộ của những người con xa nhà, mà còn là dịp để du khách thập phương đến tìm hiểu, khám phá.
Những ngư dân bám biển là hình ảnh quen thuộc với mỗi vùng biển Việt Nam. Nhưng với xã đảo Thạnh An lại mang một vẻ đẹp thật giản dị, bình yên. Mỗi buổi sáng khi bình minh lên hay mỗi buổi chiều hoàng hôn xuống, hình ảnh những người đánh cá, những ngư ông ngồi đan lưới trước hiên nhà, những buổi chợ chiều lác đác hay những tiếng rao... luôn để lại trong mỗi du khách cảm xúc khó quên.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: antg.cand.com.vn