Thiên Cầm được ví là "đàn trời" nằm giữa rú (rừng) Cùm, nhìn xa xa về phía phải hướng ra biển là dãy núi Tượng Lĩnh giống như một hình cánh cung trải dài gần 3 km; cùng với Cùm Nậy và Cùm Con tạo nên những phím đàn trời với dòng suối Kỳ La trong vắt uốn lượn vươn ra biển cả.
Theo truyền thuyết, hàng năm khi mùa xuân đến, các Vua Hùng thường lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm nghe âm thanh rất lạ như là tiếng nhạc của đất trời, vì vậy mà nơi đây được đặt tên là Thiên Cầm.
Đến thời Pháp thuộc, từ những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp đã phát hiện ra khung cảnh, địa thế đặc biệt ở nơi đây nên đã xây dựng nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ở Thiên Cầm để phục vụ các quan lại nghỉ ngơi.
Biển Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 20km. |
Với bao sự đổi thay thăng trầm của tạo hoá và những biến cố lịch sử, nhất là trải qua những năm tháng chiến tranh, đặc biệt vài năm gần đây đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các khu du lịch biển Hà Tĩnh nói chung, Thiên Cầm nói riêng. Thế nhưng trước thềm mùa du lịch năm nay Thiên Cầm vẫn trụ vững với thời gian.
Từ một bãi biển hoang sơ, ngày nay Thiên Cầm đang vươn mình để trở thành một khu nghỉ dưỡng hấp dẫn. Bên cạnh đó, khu du lịch Thiên Cầm rất lợi thế là nằm trên hệ thống đường vành đai Quốc lộ ven biển và các điểm du lịch gần kề tạo thành chuỗi kết nối phong phú như: Quần thể khu lưu niệm và khu mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập; Khu sinh thái Hồ Kẻ Gỗ với tổng diện tích mặt nước hơn 28 km2 và hơn 40 đảo lớn nhỏ trong lòng hồ, hoà quyện với khu bảo tồn thiên nhiên rừng nguyên sinh Kẻ Gỗ tạo nên cảnh quan sinh thái say đăm lòng người... tất cả đã tạo cho Thiên Cầm một vị trí chiến lược, là trung tâm du lịch thuận tiện cho du khách gần xa.
Không chỉ thuận lợi về giao thông, Thiên Cầm còn là bãi biển đẹp, thoải, có bãi cát trắng mịn màng, sóng nhẹ, làn nước trong xanh và nhiều nguồn hải sản phong phú như: cua biển, ghẹ hoa, ghẹ xanh, ốc hương, mực, vẹm xanh, tôm hùm, cá mú, cá vàng dâng... cùng với nhiều loại hải sản được đánh bắt ngay trên vùng biển này… là nguồn thực phẩm biển tươi sống giàu dinh dưỡng để phục vụ du khách.
Đến với biển Thiên Cầm, du khách còn được đắm mình trong làn nước mát ngắm nhìn đỉnh rú Cùm, núi Tượng Lĩnh, Đảo Bớc, Đảo Én, bãi Cu Kỳ, suối nước ngọt... đầy thơ mộng và những đoàn thuyền đánh bắt ngoài khơi tạo nên một quần thể du lịch phong phú và thực sự là thế mạnh, là nét chấm phá độc đáo tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách khi đến với Thiên Cầm.
Liền kề khu du lịch Thiên Cầm là các điểm đến tâm linh, đền, chùa, các di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn liền với lịch sử và những nét chạm trỗ, tạo nên những bức tranh nghệ thuật, độc đáo, tinh xảo còn lưu giữ đến ngày nay. Gần bãi biển là chùa Cầm Sơn tọa lạc trên đỉnh rú Cùm có hang Hồ Quý Ly đã đi vào sử tích; nơi đây sơn thủy hữu tình với thế núi uốn vòng cung ôm biển, từ sân chùa du khách có thể phóng tầm mắt bao quát sắc trời, hương nước, biển cả, núi rừng, làng mạc, sông ngòi bao la như một bức tranh thủy mạc. Xa hơn về phía Cẩm Nhượng, là chùa Yên Lạc với bức tranh Thập Điện Diên Vương nổi tiếng được lưu giữ từ những năm đầu thế kỷ 18.
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế mà thiên nhiên nhiên ban tặng, Thiên Cầm được Chính phủ xem xét đưa vào quy hoạch tổng thể là một trong 46 khu du lịch trọng điểm của Quốc gia. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Cẩm Xuyên ở trên mọi miền đất nước đã và đang chung sức, đồng lòng, hành động thiết thực để tạo lập môi trường lành mạnh phát triển du lịch. Các nhà hàng, khách sạn đã được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khá khang trang như: khách sạn Thiên Ý, Công Đoàn, Sông La, Sao Mai, nhà nghỉ dưỡng của ngành công an… tuy đang rất khiêm tốn so với tiềm năng lợi thế và quy mô của một khu du lịch biển hiện nay, nhưng với sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, quảng bá, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tổ chức các phong trào, hoạt động hướng về biển để thu hút du khách về với biển Thiên Cầm.
Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên Đặng Đăng Nhật cho biết, những năm trước khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, mỗi mùa du lịch Thiên Cầm đón tiếp lượng du khách có những năm lên tới từ 500.000-700.000 lượt khách.
Cũng theo ông Đặng Đăng Nhật, ngoài hiệu quả kinh tế, phát huy tiềm năng du lịch, Thiên Cầm còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, vừa góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng doanh thu cho xã hội. Với nhận thức sâu sắc, du lịch là một trong những lợi thế vượt trội và là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngay trước mùa du lịch năm nay 2022, cũng là năm du lịch mở cửa sau thời COVID-19, Cẩm Xuyên đã tăng cường công tác quảng bá, tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức quán triệt cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn giá; đảm bảo môi trường và an ninh trật tự, cung cách phục vụ phải tận tình, thân thiện, chu đáo khởi phát từ tấm lòng mến khách.
Để làm tốt các yêu cầu trên, Ban thường vụ huyện ủy, UBND huyện đã giao cho huyện đoàn phát động phong trào đoàn viên, thanh niên thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn ra quân làm sạch môi trường với khẩu hiệu "Thanh niên bảo vệ môi trường, làm sạch bờ biển"; Đầu tư cơ sở hạ tầng như: xây dựng tuyến đường trục chính Nam Thiên Cầm, hệ thống điện chiếu sáng, tu sửa hệ thống kè biển, trồng cây xanh... Vận động các khách sạn, nhà hàng đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, phòng ốc, khuôn viên để góp phần xây dựng khu du lịch Thiên Cầm ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Lễ khai trương mùa du lịch biển Thiên Cầm sẽ được diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 30/4/2022. Sau lễ khai trương là chuỗi hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hoá đặc sắc. Trước đó, từ chiều ngày 28/4 cũng tại biển Thiên Cầm, đã diễn ra cuộc thi "Hội thi tinh hoa ẩm thực Hà Tĩnh lần thứ III", bao gồm các đầu bếp nấu ăn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh được về đây để cùng tham gia với mục đích, giới thiệu các món ăn đặc sản biển của Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Đăng Nhật, đến với biển Thiên Cầm sau mùa dịch năm nay chắc chắn du khách sẽ hài lòng với sự đón tiếp nồng hậu từ tấm lòng mến khách của người Hà Tĩnh, đây chắc chắn là cơ hội để Hà Tĩnh nói chung, du lịch biển Thiên Cầm nói riêng thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, kinh tế du lịch biển...
Tác giả: Anh Bình
Nguồn tin: doanhnghiepvn.vn