Đề án phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đưa ra mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại theo hướng kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ từ 13-14%/ năm trong cả giai đoạn 2016-2020, và đảm bảo lưu chuyển hàng hóa bán lẻ qua các loại hình hiện đại chiếm 35-40% vào năm 2020.
Ban Thường vụ tỉnh ủy đánh giá cao mục đích, yêu cầu và sự cần thiết trong việc xây dựng đề án phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Kết luận nội dung này, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhất trí thông qua đề án, nhưng lưu ý một số vấn đề như: việc phát triển chợ dân sinh phải dựa trên yếu tố truyền thống, tự nhiên của cuộc sống. Phương thức quản lý phải được định hình dần theo hướng nhà nước, tập thể, doanh nghiệp cùng phối hợp. Riêng vấn đề phát triển Siêu thị, Trung tâm thương mại, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phát triển theo trục, rộng khắp địa bàn tỉnh, chứ không chỉ tập trung tại thành phố Vinh như đề án xây dựng. Đối với 9 giải pháp thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý công tác quy hoạch phải chú ý đến chính sách đất đai, chú trọng hạ tầng điện, đường, nước sạch….
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu: Siêu thị, Trung tâm thương mại phải được quy hoạch và phát triển theo trục (trong ảnh: Trung tâm thương mại Phủ Diễn)
Đối với Đề án thành lập Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, sau khi có ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Ban Thường vụ về một số yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với việc thành lập Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: nhân lực phải hội đủ các điều kiện cần thiết như: chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ giỏi, có kinh nghiệm và hình thức đạt yêu cầu.
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn nghe kết quả 3 năm thực hiện Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế- xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của miền Tây Nghệ An, từ đó từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của tỉnh. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, 15/31 chương trình, đề án đã được phê duyệt, thực hiện. Kết quả triển khai các đề án, kinh tế miền Tây Nghệ An đã có những bước phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 – 2015 đạt 8,04% - cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của toàn tỉnh.
Ban Thường vụ tỉnh ủy đã phân tích một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đã đề ra. Đồng thời đưa ra một số định hướng có tính chiến lược, sát thực tiễn để các cơ quan ban ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ về Tây Nghệ An trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nam
Nguồn tin: