Tin địa phương

Bí thư Đà Nẵng: Khách sạn lấy hết nước nên người dân không còn nước sinh hoạt!

Về tình trạng người dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ngay giữa đợt nắng nóng cao điểm (Infonet đã nêu), ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng các khách sạn lấy hết nước đưa vô bể dự phòng nên người dân không còn nước sinh hoạt nữa!

Ghi nhận ý kiến cử tri nhưng quan trọng là giải quyết kịp thời

Sáng 6/6, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức chương trình “HĐND với cử tri” và được truyền hình trực tiếp với sự tham dự của gần 40 cử tri từ các quận, huyện, nêu những vấn đề bức xúc, nổi cộm đang được cử tri quan tâm tại các địa phương. Các cử tri theo dõi qua truyền hình trực tiếp có thể gửi những kiến nghị bức xúc của mình đến với chương trình qua đường dây nóng của Thường trực HĐND TP hoặc Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng.

Các khách sạn mọc lên san sát ở khu vực ven biển được cho là đã lấy hết nước sinh hoạt của người dân quận Sơn Trà (Ảnh: HC)

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, việc tổ chức chương trình này nhằm đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và tăng cường hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp HĐND TP; trong đó tập trung giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri và các vấn đề nổi cộm tại địa phương.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng ghi nhận ý kiến phản ánh của các cử tri rất cụ thể, rất sát với thực tiễn cuộc sống, như vỉa hè bị lấn chiếm, vệ sinh môi trường, ô nhiễm tại các khu đất trống, an toàn giao thông, nước sinh hoạt, kẹt xe… Ông đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục ghi nhận ý kiến của bà con cử tri và nhấn mạnh:

“Cái quan trọng là chúng ta ghi nhận nhưng chúng ta phải giải quyết sao cho nhanh chóng, kịp thời, đừng để tình trạng cử tri thì cứ nói, mình thì cứ hứa rồi tới kỳ họp giữa năm hoặc cuối năm thì những vấn đề cũ lại được đưa ra mà không thấy có kết quả gì cả. Cái quan trọng là chúng ta phải hành động, chúng ta phải làm!”.

Có những việc tuy nhỏ nhưng gây bức xúc cho người dân ghê gớm

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Anh lưu ý, tại khu vực quận Sơn Trà hiện nay, đặc biệt là vào các ngày diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2017 và dịp cuối tuần thì lượng xe đổ về rất lớn nên “kẹt xe khủng khiếp”. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, nhiều người cho rằng trước đây mở đường Võ Nguyễn Giáp 4 làn xe thấy rộng rãi lắm rồi, nhưng bây giờ thì… không đủ, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Võ Nguyên Giáp – Võ Văn Kiệt đến Furama Resort, kẹt xe trầm kha!

“Anh Trung (ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng) tính toán lại có nên cho đậu đỗ xe ở đoạn đường đó không? Tôi đi đường, thấy các xe buýt lớn đậu ven đường chiếm mất một làn rồi, còn lại một làn thì đặc biệt là vào giờ cao điểm buổi chiều kẹt xe vô cùng. TP đang tính toán quy hoạch bên này (khu vực ven biển) có 3 bãi đỗ xe công cộng thì phải làm nhanh, và quy định xe ô tô chỉ được dừng đón trả khách chứ không được đậu đỗ ở đó trong những giờ cao điểm nhất định mà phải tập trung vào các bãi đỗ xe công cộng để đảm bảo thông thoáng!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

" "
Cũng liên quan đến quận Sơn Trà, ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, nhiều cử tri phản ánh các nhà hàng để quạt thồi mùi nấu nướng thức ăn ra khắp nơi, rất khó chịu. Theo ông, những chuyện này tuy nhỏ nhưng gây bức xúc cho người dân ghê gớm. Các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đừng tưởng mấy cái nhỏ đó là… nhỏ. Nó tuy nhỏ nhưng lại rất gây phản cảm và bức xúc cho người dân, du khách.

Ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Đề nghị quận Sơn Trà và các cơ quan chức năng xuống kiểm tra từng nhà hàng trên tuyến đường ven biển, nhà hàng nào không có hệ thống hút khói, lọc không khí đảm bảo thì không cho hoạt động. Phải làm nghiêm chứ không để tiếp diễn tình trạng phản cảm như vậy. Không có hệ thống hút khói thì tạm dừng hoạt động, khi nào có hệ thống hút đảm bảo thì mới cho mở cửa!”.

Khách sạn lấy hết nước nên người dân không còn nước sinh hoạt!

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết đã nhận được nhiều đơn thư, email của người dân khu vực quận Sơn Trà phản ảnh tình trạng không có nước sinh hoạt để sử dụng như Infonet đã đưa tin. “Các khách sạn lấy hết nước rồi, đưa vô bể dự phòng của mình nên người dân không còn nước sinh hoạt nữa!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Báo cáo với bà con cử tri, ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, không chỉ quận Sơn Trà mà hiện TP Đà Nẵng đang báo động về tình trạng sẽ thiếu hụt nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng này. Vì thế, Đà Nẵng đang xúc tiến một số dự án liên quan đến vấn đề cấp nước cho TP như nhà máy nước Hòa Trung, nhà máy nước Hòa Liên, nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ… nhưng thủ tục rất chậm.

“Hồ Hòa Trung đến bây giờ đang còn trên giấy tờ. Sở KH-ĐT phải hết sức lưu ý vấn đề này. Nhà máy nước Hòa Liên không làm với vốn vay ODA của Nhật nữa mà được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tự làm, nhưng muốn làm được nhà máy nước này thì phải 3 – 4 năm nữa. Vậy từ nay đến 3 – 4 năm đó, nước ở đâu mà sinh hoạt? Đây là vấn đề hết sức nan giải!” ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Rồi ông nói thêm: “Nước là vấn đề vô cùng quan trọng, không có nước thì ảnh hưởng tới đời sống rất lớn. Nhịn ăn vài ba ngày được chứ nhịn uống sao được. Còn tắm rửa và đủ thứ khác nữa. Bà con cử tri quận Sơn Trà phản ánh là rất đúng. Bây giờ mình hạn chế lấy nước từ mạch nước ngầm, nhưng người dân không có nước thì họ phải tự cứu lấy mình thôi. Tôi biết Dawaco đang xúc tiến các thủ tục để xây dựng các nhà máy nước mới, đảm bảo nguồn cung cho TP. Phải đạt công suất 300.000 – 400.000m3/ngày đêm mới đảm bảo được, nhưng thủ tục của mình chậm quá”.

Liên quan tới vấn đề thủ tục, ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn TP Đà Nẵng cho tới hiện nay chỉ mới giải ngân được 26%. Tức là 6 tháng chỉ mới giải ngân được 1/4 kế hoạch năm. Theo ông Nguyễn Xuân Anh thì “chắc có lẽ do thủ tục còn chậm, tuy nhiên liên quan đến một số việc mà bà con cử tri phản ánh thì thủ tục của mình còn rất chậm chạp” và ông đề nghị các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng tháo gỡ.

“Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%/năm nhưng quan trọng là các địa phương có vào cuộc quyết liệt hay không? Thủ tục giải ngân xây dựng cơ bản của mình nhiêu khê lắm, trình lên trình xuống nói mãi, rất là chậm, đi qua bao nhiêu cửa mất hết mấy tháng. Đặc biệt là các sở, ngành có liên quan như Xây dựng, TN-MT, GTVT, KH-ĐT, Tài chính… đều ngồi ở đây cả. Đề nghị các đồng chí quan tâm cho, chứ doanh nghiệp kêu dữ lắm!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP