Tin địa phương

Bí thư Đà Nẵng: Có tình trạng 'chạy bằng được quy hoạch' rồi 'rung đùi'

Bí thư Trương Quang Nghĩa thẳng thắn nêu nhiều vấn đề phòng chống tham nhũng trước cử tri TP.Đà Nẵng.

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu trước cử tri Q.Hải Châu (Đà Nẵng). ẢNH: HOÀNG SƠN

Sáng 22.6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng có buổi tiếp xúc với cử tri Q.Hải Châu nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.

Tại buổi tiếp xúc, trả lời ý kiến cử tri về việc Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn chưa được thông qua, ông Trương Quang Nghĩa cho biết đây là bộ luật rất quan trọng. Việt Nam cần có bộ luật phòng, chống tham nhũng nhưng đây là bộ luật mang tính quốc tế và cam kết với Liên Hợp Quốc nên việc xây dựng cần hết sức chặt chẽ, thận trọng…

“Nếu như chúng ta làm tốt, đúng theo lịch trình thì luật này cơ bản kỳ họp sau sẽ được thông qua”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm: “Tôi hoàn toàn đồng ý, tham nhũng chỉ xảy ra ở những ông có chức, có quyền. Ở Đà Nẵng đề nghị cử tri giám sát Thường trực, đứng đầu là Bí thư, các ông Thường vụ và các ông trong Ban chấp hành. Ở hệ thống chính quyền thì các ông ở Thường trực UBND, giám đốc sở. Đó là những cơ quan dễ bị gây ra tham nhũng nhất”.

Cho rằng hệ thống các quận, huyện cũng dễ xảy ra tình trạng tham nhũng, Bí thư Đà Nẵng bày tỏ mong muốn cử tri tăng cường giám sát.

“Thường vụ đang xem xét các quy định của Đảng để làm sao các đồng chí trong Ban chấp hành nhiệm kỳ này bổ sung cho nhiệm kỳ sau có thể công khai cho người dân được không, công khai ra trước chi bộ để giám sát, để tránh tình trạng cứ vào quy hoạch rồi thì không ra”, ông Nghĩa đánh giá thực trạng.

“Các ông cứ rung đùi, chạy bằng được vào quy hoạch rồi thì yên tâm. Làm sao giữa nhiệm kỳ có người vào, người ra và phải coi việc đó là bình thường. Đây là bệnh trầm kha của Đảng và Nhà nước mình. Vào thì không ra, lên thì không xuống”, ông Trương Quang Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng khẳng định: “Chúng ta chọn lựa ngay từ những người được xem xét, chuẩn bị, phòng chống tham nhũng từ những người đứng đầu. Chúng ta phải đi từ những đồng chí lớn nhất, từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành. Đề nghị các cử tri giám sát”.

Lý giải con số “cho thuê đất 99 năm”

Tại buổi tiếp xúc, liên quan đến ý kiến cử tri về đến dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho hay trước thông tin chung và ý kiến của Đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa thông qua dự án này.

Ông Nghĩa cũng cho hay Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm không đưa ra mốc thời gian cho thuê đất 99 năm mà quan điểm là theo luật đất đai.

Cử tri Đà Nẵng quan tâm đến việc xây dựng luật phòng, chống tham nhũng. ẢNH: HOÀNG SƠN

“Vừa rồi có một số ý kiến rằng chúng ta có theo đuôi Trung Quốc không về con số 99. Thực ra con số này không phải của Trung Quốc. 99 năm là quy ước bất thành văn, đó là việc sử dụng, sở hữu một miếng đất nào đó mà qua 99 năm thì gần như của người ta. Cho nên việc đấu tranh trong vòng 99 năm ở các nước là cực kỳ quan trọng”, ông Nghĩa lý giải.

“Cái này có nguyên cớ nào đó chứ chúng ta không đi học theo Trung Quốc, chúng ta rất độc lập. Khẳng định với cử tri, Trung Quốc là láng giềng lớn. Ứng xử như thế nào để giữ được chủ quyền, giữ được bản lĩnh. Các cử tri tin tưởng vào đường lối rất khôn khéo của Đảng trong chiến tranh, hòa bình và tương lai”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng thông tin thêm, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã yêu cầu Chính phủ giải thích cơ sở đưa ra 3 đặc khu, hiệu quả ra sao… Luật này có nên xây dựng là luật 3 đặc khu hay là luật khung cho các khu kinh tế đặc biệt. “Qua trao đổi, Quốc hội sẽ làm rất kỹ càng”, ông Nghĩa nói thêm.

Tác giả: Hoàng Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP