Jessica Mah là CEO và đồng sáng lập của inDinero, một công ty kinh doanh phần mềm quản lý tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Cô cho rằng chính giai đoạn túng thiếu trong cuộc sống đã giúp mình tạo lập được thói quen tốt về tiền bạc. Dưới đây là chia sẻ của Jessica Mah trên Cosmopolitan về cách chi tiêu của cô, từ thủa cơ hàn tới khi đã thành triệu phú.
Tôi đồng sáng lập inDinero từ thời sinh viên. Dù tạo lập một công ty tài chính, bản thân tôi lúc ấy chẳng có tiền. Tôi đã vay bố mẹ gần 2.000 USD mỗi tháng để trang trải tiền thuê nhà, mua đồ tạp hóa cho tới tận 4 năm trước, khi công ty bắt đầu ổn định.
Năm nay, inDinero có 200 nhân viên và 5 văn phòng, đạt thu nhập ở mức 8 con số, vì vậy tôi không cần dè sẻn từng xu hay vay bố mẹ nữa. Nhưng thói quen từ thời gây dựng công ty đã giúp tôi quản lý tài chính cá nhân tốt.
26 tuổi, Jessica Mah đang điều hành một công ty triệu đô ở Mỹ. Ảnh: Cosmopolitan.
Đầu tiên, tôi học cách tự kiểm soát số tiền mình có. Khi chưa kiếm đủ tiền để trang trải chi phí thuê nhà, tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc sách và nghe các chương trình nói về quản lý tài chính. Tôi nhớ mãi lời khuyên như "thay vì cố gắng theo kịp người khác, hãy sống giản dị ở hiện tại để sau này nhận phần thưởng xứng đáng". Ý tưởng đó đã giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn khi bắt đầu xây dựng công ty và chỉ sống bằng mỳ ăn liền.
Khi đã tự lo được cho bản thân, tôi định ra hẳn ngân sách cụ thể cho cả năm, bao gồm mọi khoản - kể cả chính xác số tiền chi cho mỗi bữa ăn. Tôi dành 7 USD cho mỗi bữa trưa và 21 USD cho mỗi bữa tối và tự nấu ăn. Có lần, tôi còn tranh cãi với người bạn cùng phòng giữa cửa hàng tạp hóa về việc mua một lọ hành ngâm giấm vì cả hai sắp hết tiền.
Tôi định ra ngân sách này không chỉ để khỏi vung tay quá trán mà còn sử dụng nó như một động lực. Khoản lớn nhất tôi tiêu là bay từ California về New York để thăm bố mẹ và nhiều lần tôi muốn mà không có đủ tiền để đi. Vì vậy, tôi hình dung xem mình cần bao nhiêu tiền để có thể về thăm nhà khoảng 6 lần một năm và cố gắng thực hiện được việc ấy.
Ngày nay, hầu hết các khoản tiêu của tôi là dành cho đi lại nhưng nó thường là chi phí công tác và được ngân sách công ty chi trả. Tôi vẫn giữ mức chi tiêu cá nhân cho thực phẩm và quần áo ở dưới 1.000 USD (khoảng hơn 22 triệu đồng) mỗi tháng. Gần đây, trợ lý của tôi định đặt một bữa ăn sushi tại nơi có giá 250 USD (khoảng hơn 5,5 triệu) mỗi suất và tôi nói "không" ngay vì quá đắt đỏ.
Triệu phú Jessica Mah chi tiêu tiết kiệm cho thức ăn, quần áo nhưng có thể chi mạnh tay cho sở thích của mình: các chuyến du ngoạn bằng máy bay. Ảnh: Cosmopolitan.
Những năm túng thiếu và sống tiết kiệm dạy tôi rằng chẳng có lý do gì phải thay đổi lối sống chỉ vì kiếm được nhiều tiền hơn. Công ty của tôi hiện đủ lớn mạnh để trả cho tôi một khoản lương cao nhưng tôi dành hầu hết để đầu tư trở lại.
Tôi chỉ dùng 0,5% tài sản để duy trì nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và thực hiện những sở thích riêng, còn 99,5% còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư. Tôi cũng góp khoảng 10% thu nhập chịu thuế của mình vào việc làm từ thiện.
Việc chi tiêu dựa vào mức thu nhập hiện nay khá phổ biến: Nếu bạn kiếm nhiều hơn, bạn tiêu nhiều hơn. Tôi thấy điều đó cũng len lỏi vào cuộc sống của mình và tôi không thích như vậy. Chẳng hạn, tôi đã mua một chiếc ôtô điện Tesla để thay cho chiếc Toyota Camry cũ và thuê một căn hộ đẹp nhìn ra vịnh San Francisco. Nhưng tôi quyết định chỉ dừng ở đó. Tôi đọc lại nhật ký từ vài năm trước của mình, ngày còn phải đi vay - khi tôi viết về cảm giác tự do và hạnh phúc dù vẫn còn đang nợ nần. Và bây giờ, tôi cảm thấy mình chịu nhiều căng thẳng hơn, thậm chí ít hạnh phúc hơn so với khi chẳng có gì.
Điều đó giúp tôi hiểu rằng mình đã có mọi thứ cần để hạnh phúc. Tôi nhắc bản thân rằng có nhiều hơn không khiến tôi hạnh phúc hơn. Nó dường như sẽ chỉ khiến tôi lãng phí nhiều thêm.
Tôi nghĩ thói quen chi tiêu của bạn thường chịu áp lực bởi những người xung quanh và tôi ghét cảm giác đó. Chẳng hạn, bạn trai tôi lãnh đạo một công ty tỷ đô và tôi tưởng anh ấy sẽ thích vào những nhà hàng sang trọng và mua những đồ đắt tiền nhưng chúng tôi lại thực sự thoải mái hơn khi ăn ở một quán nhỏ - và thấy các món vẫn ngon.
Đôi khi tôi cũng tiêu phóng tay. Đó là sở thích riêng và chi phí cho nó cũng quan trọng. Với tôi, đó là các chuyến bay.
Tôi thích bay - và tôi biết đó là một sở thích tốn kém - nhưng tôi sẵn sàng tiêu tiền cho việc này. Tôi dành 2000 USD mỗi tháng để bay nhưng như vậy vẫn rẻ hơn nhiều so với việc mua một chiếc phi cơ riêng.
Mẹ tôi, người đến nước Mỹ với bàn tay trắng, từng nói thế này: "Kiếm nhiều tiền mà làm gì nếu con không thể tận hưởng thứ mình thích?". Với bà, du lịch và những kỳ nghỉ là những thứ đáng vung tay. Bà có thể ăn đồ thừa và tiêu dè từng xu vào những thứ khác để mỗi năm có được một kỳ nghỉ tuyệt vời. Việc đó khiến bạn cảm thấy công việc của mình rất đáng giá khi có thể hưởng trái ngọt từ sức lao động của bản thân.
Tác giả bài viết: Vương Linh