Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại ưu năm 1985, anh Vũ Cao Thăng ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) về địa phương công tác. Được hai năm anh xin nghỉ việc về làm nông dân vì “sở thích chăn nuôi đã ngấm vào máu thịt”.
“Quyết định bỏ mấy sào lúa tám thơm của gia đình để đào ao nuôi ếch lúc bấy giờ khiến nhiều người nghĩ tôi gàn dở”, anh Thăng kể.
Nông dân Vũ Cao Thăng kiểm tra đàn ếch thịt trước khi xuất bán. Ảnh: Phương Vy.
Nhưng cựu kĩ sư nông nghiệp này lại có hướng đi khác, đưa ếch thương phẩm sang thị trường Trung Quốc theo đường thương lái. “Biết Trung Quốc tiêu thụ nhiều thịt ếch, thời gian đầu tôi đi bắt ếch tự nhiên về nuôi. Lúc ấy ếch tự nhiên còn nhiều, chúng sinh sản nhanh vào mùa nắng. Có đêm tôi đi bắt được cả tạ”, anh Thăng nói.
Có thị trường tiêu thụ ếch rộng lớn, lại bán được giá cao nên từ 1986 đến 1996, gia đình anh giàu phất lên. Chị Nguyễn Thị Mơ, vợ anh, khi ấy cũng nghỉ việc ở nhà nuôi ếch cùng chồng.
Sau năm 1996 thương lái Trung Quốc ngừng thu mua ếch của nông dân Việt Nam khiến gia đình lao đao, có lúc ở bên bờ vực phá sản. Đàn ếch cả vạn con của anh Thăng không biết đổ đi đâu cho hết.
“Mất 5 năm ròng tôi chở ếch đi bán dạo khắp Hà Nội nhưng cũng không ai mua. Để làm quen thị trường, tôi ký gửi sản phẩm cho các cửa hàng, khi bán được người ta gọi lên lấy tiền còn không được thì mang ếch về”, anh Thăng kể và cho hay, có thời điểm anh phải thế chấp sổ đỏ vay tiền mua thức ăn giữ đàn ếch.
Gần 10 năm nay, thị trường tiêu thụ ếch trong nước dần ổn định, số cơ sở nuôi cũng nhiều lên, nhưng ếch của gia đình anh Thăng luôn được ưa chuộng vì bí quyết nuôi độc đáo là cho ếch ăn tỏi.
Theo anh Thăng, tỏi có nhiều công dụng, trong đó trị bệnh về đường tiêu hóa rất tốt. “Nếu sử dụng thuốc kháng sinh nhiều, ếch dễ bị lờn thuốc, sức đề kháng cũng kém đi. Ngược lại tỏi có chứa nhiều kháng sinh lại an toàn, giá thành rẻ. Việc sử dụng tỏi kết hợp với thức ăn ngoài phòng và điều trị bệnh còn có thể tăng sức đề kháng giúp ếch khỏe mạnh, tiêu hóa tốt do đó nhanh lớn hơn”, anh Thăng cho hay.
Mùa nắng thì nuôi ếch ngoài ao, mùa rét anh Thăng nuôi trong nhà kính để giữ nhiệt cho chúng. Ảnh: Phương Vy.
Tỏi tươi có thể xay nhỏ, trộn với nước và rải đều vào thức ăn của ếch. Cách 15 ngày lại cho ăn một lần và đảm bảo trong thời gian 2 tháng rưỡi nuôi ếch thịt phải cho ăn 5 lần. Nhờ cách nuôi độc đáo này mà ếch nhà anh Thăng luôn đảm bảo sạch, chất lượng thơm ngon. Giá bán mỗi kg ếch thịt trên thị trường hiện nay là 45.000 đồng, sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi quá nửa.
Không chỉ nuôi ếch, với 30 năm làm nghề, niềm vui lớn nhất của anh Thăng là tích lũy được lượng kiến thức khổng lồ, có những kiến thức trong sách vở không có, hoặc sai. Các loại đặc sản như tê tê, nhím, cá sấu, kỳ đà… loài nào anh cũng nuôi và cho nhân giống thành công. Đặc biệt anh có thể điều khiển ba ba sinh nở theo ý muốn chứ không phải một năm hai vụ như tài liệu nông nghiệp hay nói.
Những kinh nghiệm "xương máu" ấy, anh Thăng không giữ riêng cho mình mà vui vẻ truyền đạt cho bất kỳ ai có niềm đam mê hoặc mong muốn làm giàu. Anh viết sách về cách chăn nuôi ba ba, ếch rồi phát cho mọi người tham khảo, ai chưa hiểu anh “cầm tay chỉ việc” cho đến khi thuần thục mới thôi.
Trong khu trang trại tổng hợp trên một ha, ngoài nuôi 10 vạn ếch thịt, 30 vạn ếch giống và ếch bố mẹ mỗi năm, anh Thăng còn nuôi ba ba, rắn, cá sấu… cho thu nhập đều đặn một tỷ mỗi năm.
Tác giả bài viết: Phương Vy - Lê Hoàng
Nguồn tin: