Nỗi băn khoăn "cô chính, cô phụ"
Đến hẹn lại lên, dịp lễ Tết nào chị Mai Linh (Q. Hà Đông, Hà nội) cũng "đau đầu" nghĩ "đi cảm ơn cô bao nhiêu cho phải". Trong số những ngày lễ đó, 20/10 là dịp…khó nghĩ nhất.
“Tặng quà ngày 20/10 đến chỉ sau ngày chào lớp, Tết Trung Thu một tháng. Rồi liền ngay sau đó là 20/11. Thường 20/11 nhà nào cũng "đi khoản to" vì đây là ngày lễ nhà giáo lớn nhất trong năm. Nhưng nếu không đi ngày 20/10 thì không được vì nhà nào cũng có bông hoa tặng cô”, chị Mai Linh lý giải.
Chẳng là con chị Linh ăn uống rất khó khăn, hay nôn ọe. Nên năm nào con nhập học chị cũng phải "nhờ cô để ý cháu giúp gia đình.
“Gia đình không cần cháu ăn nhiều, chỉ mong các cô dạy được cháu ăn cơm và... biết nhai thành thạo. Biết các cô giáo rất vất vả vì chăm sóc con nên gia đình muốn cảm ơn cô nhân ngày này. Nhưng túi tiền eo hẹp nên nhiều khi khá đắn đo. Rất may lớp con chỉ có hai cô nên cũng đỡ", chị Linh ngậm ngùi.
Bà mẹ này cho biết chị không muốn so đo tính toán nhưng vì đồng lương eo hẹp nên chị cũng đành phải căn cơ cho hợp lý.
Cô giáo mong muốn phụ huynh tặng quà từ tấm lòng chân thành. Ảnh minh họa. |
Cùng chung tâm trạng như thế, dù đã sát ngày 20/10 nhưng chị Hoài Nam (Ngọc Hồi, Hà Nội) cũng không biết phải làm sao khi lớp con chị có tới...5 giáo viên. Ba cô chính, hai cô phụ. Nếu đi mỗi cô "một gậy" thì mất "một tờ xanh". "Cảm giác hơi bèo so với con nhà người ta nhưng đi hơn thì không có khả năng", chị Nam giãi bày.
Có năm chị đã dấm dúi cô chính khoản riêng, cô phụ một khoản riêng thấp hơn. Để tránh trao phong bì nhầm lẫn, chị còn ghi cả tên cô bên ngoài và nói nhỏ cô chính "đừng cho cô phụ xem phong bì".
Bi hài cười chuyện "đi chung"
Có hai đứa con sinh đôi và một đứa cháu ruột học một lớp mẫu giáo, chị Ngọc Ánh (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cũng lúng túng không biết làm sao trong những ngày lễ Tết như 20/10.
"Lớp có 3 cô giáo. Ba anh em học cùng nhau, không đi đều thì ngại. Mà đi "bổ đầu" hết thì...nhiều quá", chị Ánh than thở. Cuối cùng, chị đã chọn cách bỏ vào phong bì 1 triệu đồng để ba cô giáo "tự chia nhau".
Giãi bày thành thật về cảm xúc nhận quà của phụ huynh những ngày lễ Tết như 201/10, cô T.Q, một giáo viên mầm non tại Hà Nội cho biết, lương giáo viên mầm non thấp nên thành thực mà nói, lễ Tết cũng là dịp giúp các cô "có thêm thu nhập".
"Nhưng cũng chính những ngày này, đôi khi chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Vì trước mặt phụ huynh đon đả, nhưng khi quay đi, không ít phụ huynh lại rêu rao. Có phụ huynh sau khi đi cô lại có thêm yêu cầu chăm con rất khắt khe. Nếu con không ăn được nhiều hoặc con kể ở lớp bị bạn cấu là phàn nàn.
|
Trong khi trẻ con chơi với nhau rất khó tránh khỏi chuyện đó. Trông một trẻ đã mệt, ở lớp hai cô phải quản một lúc bốn mươi cháu. Mỗi cháu một cá tính khác nhau. Thành thử nhận chiếc phong bì của những phụ huynh như thế, chúng tôi thấy nặng nề, đôi khi là sợ hãi", cô giáo T.Q chia sẻ.
Có phụ huynh "tiết kiệm tối đa" bằng cách mua tặng một cặp dầu gội đầu nhân ngày 20/10 tặng các cô ở lớp của con. Trong khi lớp của cô T.Q có hẳn ba cô giáo cùng trông. Thành thử, nhận quà xong cả ba cô giáo nhìn nhau không biết phải "xử" thế nào cho hợp lý.
Chuyện cười ra nước mắt không dừng lại ở đó. Chị Đỗ Ngọc (chủ một shop online tại Hà Nội) cứ đến mùa lễ như 20/10 là bán hàng như vỗ tay. Cửa hàng mở lúc 8h sáng và đóng cửa lúc 10h đêm.
Chị Ngọc kể: "Phụ huynh đến mua son, dầu gội, sữa tắm để tặng cô giáo. Vì thế, cô giáo nào cũng "bội thực" dầu gội, sữa tắm. Cứ sau ngày lễ, nhiều cô lại đem ra cửa hàng nhờ... bán thanh lý giúp".
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn