Chiều 26/1, các luật sư bào chữa cho 46 bị cáo đã kết thúc phần tranh luận của mình trong vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), gây thiệt hại cho VNCB trên 6.120 tỉ đồng.
Các bị cáo sau phiên tòa. |
Đại diện 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV đã nêu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ngân hàng của mình.
Theo đó, cả 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện KSND TPHCM, buộc thu hồi hơn 6.120 tỉ đồng, trong đó Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV là hơn 2.550 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Cụ thể, đại diện Sacombank cho rằng tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26/04/2013), thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26/01/2014), 2 pháp nhân ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch được thực hiện và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra, giao dịch giữa Sacombank và VNCB phù hợp với thỏa thuận của các bên về bảo lãnh, xử lý thu hồi nợ…
Đồng thời, theo đại diện Sacombank, việc VNCB chuyển tiền thanh toán tại 2 chi nhánh của Sacombank đã được Tổ giám sát Ngân hàng nhà nước (NHNN) phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự thì đến nay sự việc đã quá 3 năm nên việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.
Tương tự, đại diện TPBank nêu giao dịch gửi tiền giữa TPBank và VNCB được thực hiện đúng và hợp pháp theo quy định về vay và cho vay giữa các ngân hàng, kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ việc VNCB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, rồi cầm cố, bảo lãnh cho vay tín dụng là được phép theo quy định pháp luật.
Từ đó, TPBank cho rằng nếu thu hồi tiền để khắc phục hậu quả cho vụ án thì nên thu hồi từ những cá nhân, tổ chức được đề cập trong hồ sơ vụ án, khi xác minh được đường đi của dòng tiền vay mà Phạm Công Danh đã sử dụng.
Đối với BIDV, đại diện ngân hàng này cho rằng đề nghị thu hồi tiền từ BIDV để khắc phục hậu quả là vô căn cứ, trái với nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự.
Đại diện BIDV cho rằng việc yêu cầu 2.550 tỉ đồng là phi lý, bản chất thiệt hại là VNCB và 12 công ty chứ không phải là BIDV. BIDV đã hoàn trả cả gốc và lãi với VNCB, BIDV không giao dịch với cá nhân ông Danh mà với 12 công ty pháp nhân. Số tiền thu nợ từ tài khoản 12 công ty là hợp pháp, không phải do phạm tội mà có.
Đại gia Trần Quí Thanh không nhận lãi ngoài?
Cũng trong chiều 26/1, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích) trình bày về các ý kiến nêu Ngân hàng Xây Dựng có trả lãi ngoài cho ông Trần Quí Thanh.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên cho rằng ông Trần Quí Thanh không nhận lãi ngoài. |
Luật sư Uyên khẳng định: “Bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh không nhận lãi ngoài, lãi vượt trần. Việc này tôi đã trình bày, chứng minh với đầy đủ căn cứ pháp luật, thực tiễn. Bản án sơ thẩm, phúc thẩm giai đoạn 1 không có bất cứ kết luận nào về việc các thân chủ của tôi nhận lãi ngoài. Đề nghị HĐXX xem xét không vượt ra ngoài phạm vi xét xử của vụ án”.
Về một số khoản tiền được cho là đã chuyển cho ông Trần Quí Thanh, luật sư Uyên nêu đây là các giao dịch hợp pháp, ngay tình, không liên quan đến vụ án. Các khoản tiền này đã được đưa vào lưu thông, không còn tồn tại, không phải là vật chứng, không thể thu hồi.
Suốt từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, tổng số tiền của vụ án là hơn 18.000 tỉ đồng được Phạm Công Danh sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nếu đã đặt vấn đề thu hồi thì phải thu hồi tất cả số tiền này, trên thực tế, các cơ quan tố tụng đã không thu hồi rất nhiều khoản khác đã xác định được địa chỉ. Do đó, không có bất cứ cơ sở nào, để thu hồi bất cứ khoản tiền nào từ ông Trần Quí Thanh trong vụ án này.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí