"Cả thế giới, bao gồm gia đình của các nạn nhân, tìm thấy hy vọng mới về nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích" – Giám đốc hàng không dân dụng Malaysia – ông Azharuddin Abdul Rahman, tuyên bố vào đầu tháng này.
Trước đó, vào tháng 1-2017, nỗ lực định vị máy bay MH370 dẫn đầu bởi Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) bị dừng lại sau 1.046 ngày rà soát tổng cộng 710.000 km vuông dưới đáy đại dương khu vực phía Đông của Nam Ấn Độ Dương nhưng không có kết quả.
Nói cách khác, sau 3 năm miệt mài với chi phí gần 154 triệu USD, thành quả chính đến từ nỗ lực tìm kiếm dẫn đầu bởi ATSB là kết luận MH370 có lẽ không nằm trong phạm vi rà soát nói trên.
Người thân của hành khách trên chuyến bay mang số hiệu MH370 cầu nguyện cho các nạn nhân. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, hy vọng tiếp tục được nhen nhóm sau khi Công ty Ocean Infinity tuyên bố sẽ tìm kiếm MH370 bằng công nghệ tối tân. Trả lời phỏng vấn tờ The Australian (Úc) hồi tháng 1, Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Ocean Infinity là ông Oliver Plunkett khẳng định khả năng tìm thấy MH370 là hoàn toàn có thể.
Chính phủ Malaysia đã đồng ý ký với Công ty Ocean Infinity bản hợp đồng "không tìm thấy, không lấy tiền" vào ngày 10-1. Theo đó, Ocean Infinity sẽ nhận được 20-70 triệu USD nếu tìm thấy máy bay "dưới 90 ngày", phụ thuộc vào thời gian và tổng diện tích rà soát.
Tuy nhiên, vào hôm 3-3, Giám đốc hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin thông báo sẽ gia hạn hạn chót tìm kiếm đến giữa tháng 6-2018, viện dẫn lí do quá trình tìm kiếm bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khó lường như thời tiết xấu.
Ông Azharuddin Abdul Rahman (trái) bắt tay với ông Oliver Plunkett trong buổi ký kết hợp đồng tìm kiếm MH370 vào ngày 10-1-2018. Ảnh: Reuters |
Mặc dù vậy, Công ty Ocean Infinity khẳng định trong một tuyên bố chính thức trên trang web vào hôm 6-3 rằng "cam kết thực hiện nỗ lực kiếm 90 ngày, đến giữa tháng 4…chúng tôi cam kết sẽ rà soát 25.000 km vuông và đã rà soát được 23.000 km vuông. Do đó, chúng tôi có thể phải rà soát khu vực rộng hơn dự kiến trong hơn 90 ngày".
Trước khi ký kết hợp đồng với chính phủ Malaysia vào tháng 1, Ocean Infinity không nhận được sự chú ý. Theo The Australia, công ty này chỉ mới đăng ký hoạt động vào tháng 7-2017 ở bang Texas – Mỹ.
Mặc dù là "lính mới" trong lĩnh vực tìm kiếm dưới đại dương, Ocean Infinity vẫn quyết định thực hiện "ca khó" (từng khiến các quốc gia khác "bó tay" trong suốt 4 năm trời) bằng bản hợp đồng "không tìm thấy, không lấy tiền" trong 90 ngày đầy rủi ro về mặt tài chính.
Chi phí vận hành tàu The Seabed Constructor là 70.000 - 100.000 USD/ngày. Ảnh: Swire |
Kể từ khi rời TP Durban - Nam Phi, vào đầu tháng 1, tàu Seabed Constructor của Ocean Infinity hoạt động ngày đêm trong nỗ lực tìm kiếm MH370. Tuy nhiên, đến đầu tháng 2, tàu này bất ngờ "biến mất" bí ẩn trong suốt 80 giờ sau khi tắt hệ thống nhận dạng.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Liow Tiong Lai giải thích hôm 6-2 rằng tàu Seabed Constructor "phát hiện ra các kết cấu địa chất thú vị". Ông Lai nói thêm rằng tiến độ của nỗ lực tìm kiếm là "rất nhanh".
Trong khi đó, truyền thông Úc nhấn mạnh rằng Seabed Constructor "biến mất" khi đến gần 2 xác tàu bị đắm được định vị trong suốt quá trình tìm kiếm dẫn đầu bởi ATSB.
Một giả thuyết mới nổi lên: Liệu Ocean Infinity có đang lợi dụng "cái mác" tìm kiếm MH370 để tận dụng bản đồ rà soát trước đó của ATSB nhằm tìm kiếm tàu đắm và kho báu?
Đến hiện tại, chưa có thông tin mới về Seabed Constructor. Toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu được liên hệ bình luận đều nói rằng họ đang "tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu mật".
Tác giả: Cao Lực
Nguồn tin: Báo Người lao động