Xã hội

Bệnh viện ở Đà Nẵng quá tải

Bệnh nhân nằm chen chúc 2-3 người một giường, trong khi người nhà nằm vật vờ khắp các khu vực hành lang, cầu thang của bệnh viện.

Đó là tình cảnh chung của người dân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lớn ở Đà Nẵng. Thời gian qua, tuy Sở Y tế TP cùng các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhưng bài toán giảm tải cho các BV xem ra vẫn chưa thực sự có lời giải.

Bác sĩ phải nhường phòng cho bệnh nhân

BV Đà Nẵng trưa cuối tháng 5 ngột ngạt và nóng bức. Từ bãi gửi xe, nhà ăn đến dọc các khu hành lang, cầu thang tấp nập người ra kẻ vào.

Anh Đào Viết Lúa (sinh năm 1978, quê Quảng Nam) cho biết anh nhập viện vào khoa Nội tim mạch được hơn một tuần. Gần như trưa nào anh cũng mò mẫm xuống hành lang ngồi… hóng mát vì trên phòng đông quá! Chung tâm trạng, ông Nguyễn Bống (sinh năm 1958, quê Quảng Nam, mắc bệnh hẹp mạch vành tim) hổn hển cho biết mặc dù mới trải qua cuộc phẫu thuật nhưng ông phải chấp nhận cảnh nằm ghép hai người/giường.

Được biết khoa Nội tim mạch hiện là một trong những điểm nóng về quá tải, gần như bệnh nhân nào cũng phải nằm ghép. Chỉ những trường hợp bệnh đặc biệt nghiêm trọng mới được bố trí nằm một người một giường.

Tương tự, khoa Hô hấp có 100 giường bệnh nhưng luôn có khoảng 150 bệnh nhân. Lúc cao điểm, khoa cùng lúc điều trị cho hơn 200 bệnh nhân. Để có chỗ kê thêm giường cho bệnh nhân, khoa phải dồn các phòng giao ban, phòng nghỉ của bác sĩ, điều dưỡng nhưng vẫn không đủ tải…

Là một trong những bệnh viện loại một, BV Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: TÂM AN

Quá tải, thiếu thuốc

Vấn đề quá tải không chỉ thường xuyên diễn ra tại BV Đà Nẵng. BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc BV Phụ sản-Nhi, cho biết trung bình BV tiếp nhận, điều trị khoảng 1.300 người, trong đó khoảng 40% đến từ các địa phương lân cận. “Bệnh nhân chủ yếu là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên việc nằm ghép thực sự rất cực. Thay vì ghép 2-3 người/giường, chúng tôi tận dụng các chỗ trống để kê thêm giường cho bệnh nhân nằm điều trị nhưng vẫn không đủ” - BS Hoàng cho hay.

Theo BS Hoàng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải. Một phần do cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, trình độ bác sĩ ở các BV tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một phần xuất phát từ tâm lý của người bệnh, họ chưa tin tưởng hoàn toàn vào các BV tuyến dưới. “Có những ca sinh nở rất đơn giản nhưng người dân vẫn chủ động tìm đến BV trung ương để được hưởng những dịch vụ điều trị tốt nhất” - BS Hoàng nói.

Không chỉ quá tải về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nguồn thuốc dự trữ tại một số BV cũng chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân. “Riêng vấn đề thiếu thuốc, đây là khó khăn chung của ngành y tế chứ không phải của riêng TP Đà Nẵng. Thực tế, nguồn lực dành cho y tế hằng năm có hạn nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lại rất lớn. Thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các BV tiếp tục cập nhật các trang thiết bị hiện đại, bổ sung nguồn thuốc cần thiết để phục vụ tốt nhất cho người dân tới điều trị” - bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Tác giả: TÂM AN

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP