Kinh tế

Bầu Đức và những cuộc chia tay trong chóng vánh

Từng là sản phẩm kinh doanh chủ lực giúp HAGL vượt qua khó khăn nhưng đến khi bầu Đức tìm được lối đi mới thì cây cao su, con bò, heo cũng nhanh chóng bị "bỏ rơi".

Đầu năm 2023, người ta còn bàn nhiều về câu chuyện đổi dài lấy ngắn, chọn một cây một con của bầu Đức với hành trình nông nghiệp. Nhưng sau một năm, tình thế thay đổi, bầu Đức - người từng cho rằng “1 cây, 1 con" (tức cây chuối, con heo) là chân ái, đã đổi định hướng thành “2 cây, 1 con" (tức cây chuối, cây sầu riêng và con heo) và giờ hoàn toàn không còn liên quan gì đến Bapi - heo ăn chuối từng khiến vị đại gia này mất ngủ.

“Ngược chiều gió"

Kết thúc năm 2023, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) lại “ngược chiều gió" với nhiều tín hiệu được đánh giá là tích cực.

Đầu tiên, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp của vị đại gia phố núi này đã liên tục có những động thái nhằm cải thiện khoản nợ vay nghìn tỷ.

Cụ thể, gần đây, HAGL đã thông báo đăng ký bán ra 13,31 triệu cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Giao dịch sẽ bắt đầu từ ngày 9/1 đến 7/2 theo phương thức bán thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.

Nếu giao dịch thành công, HAGL sẽ giảm cổ phần nắm giữ về 91,37 triệu, tương ứng 8,24% vốn HNG. HAGL cho biết việc bán số cổ phiếu lớn này là để trả nợ trái phiếu Ngân hàng BIDV.

Mới đây, HAGL đã thông qua việc chuyển nhượng Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai.

Trước đó, bầu Đức cũng chuyển nhượng Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bapi HAGL. Trước đó vào tháng 9/2023, bầu Đức đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng nhằm tái cơ cấu nợ.

Ngoài ra, Ngân hàng Eximbank đã miễn giảm tiền lãi các khoản vay cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai - công ty con của Hoàng Anh Gia Lai với tổng số tiền lên tới 1.425 tỷ đồng. Đồng thời, Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng cho Ngân hàng Eximbank, qua đó tất toán toàn bộ các khoản vay phát sinh từ năm 2014.

Thứ hai, về tình hình kinh doanh, HAGL nhìn chung tăng trưởng tích cực nếu so sánh với các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành trong bức tranh tài chính quý III/2023.

Quý III/2023, doanh thu của HAGL đạt 1.889 tỷ đồng, tăng 31%. Trong đó, doanh thu trái cây chiếm phần lớn cơ cấu với 1.004 tỷ đồng, tăng trưởng 74%.

Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty vẫn cao hơn so với cùng kỳ 85% lên 518 tỷ đồng. Đồng thời, do lãi cho vay giảm mạnh nên doanh thu tài chính trong kỳ của HAGL đã giảm 70% xuống còn 35 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, chi phí tài chính của HAGL ghi nhận 232 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ; chiếm đa số là chi phí lãi vay. Nguyên nhân được công ty lý giải là do không phát sinh khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư dài hạn.

Sau khi trừ các chi phí, HAGL báo lãi 324,5 tỷ đồng giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Kết quả này đã giảm số lỗ lũy kế của công ty xuống còn 2.640 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.034 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Do không còn khoản hoàn nhập dự phòng, HAGL ghi nhận lãi sau thuế sụt giảm 20% so với 9 tháng đầu năm ngoái, đạt 710 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm sáng này chủ yếu đến từ trái cây. Về mảng kinh doanh heo, giá vốn heo tăng cao so với cùng kỳ nên trong cả quý III, HAGL chỉ ghi nhận 102 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh này.

Thứ ba, không thể phủ nhận, thời gian qua, cổ phiếu HAG đã phục hồi với nhịp tăng nóng. Từ ngày 25/9/2023 đến ngày 9/1/2024, cổ phiếu HAG đã tăng 77,7%, từ 7.510 đồng, lên 13.350 đồng/cổ phiếu.

Chia tay heo ăn chuối sau 2 năm “mất ngủ”

Thông tin HAGL chính thức không còn liên quan gì đến thương hiệu Heo ăn chuối - Bapi gây xôn xao dư luận, lý do là bởi trước kia, bầu Đức từng vui mừng biết bao, đến nỗi mất ngủ khi thấy con heo ăn chuối, vực dậy doanh nghiệp từ bán thịt heo. Không chỉ vậy, vị Chủ tịch HĐQT này từng khẳng định chắc chắn bước ngoặt của mình với việc mở rộng 200 cửa hàng phân phối thịt heo chỉ trong vòng 1 năm.

Bầu Đức "thổi hồn" vào heo Bapi câu chuyện heo ăn chuối, thịt heo sạch. Chính nhờ điều này mà bầu Đức đã tạo ra sự tò mò với người tiêu dùng về sản phẩm heo ăn chuối.

Chiến lược marketing đã đem lại cho thương hiệu này tiếng vang lớn nhưng hiệu quả kinh doanh của Bapi mới là điều nhận được sự quan tâm. Trong bức tranh thực tế khốc liệt của ngành chăn nuôi năm 2023, 200 cửa hàng phân phối heo ăn chuối đã giảm còn 52 cửa hàng, siêu thị.

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL


Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của HAGL vào tháng 8/2023, trước nhiều băn khoăn về việc heo hơi của công ty sẽ như câu chuyện nuôi bò trước kia, ông Trần Văn Dai - Thành viên HĐQT HAGL chia sẻ đây là vấn đề liên quan đến hệ thống phân phối của HAGL nên sau khi giảm hệ thống đã không còn lỗ.

Cũng tại cuộc trao đổi với nhà đầu tư trên Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức khẳng định nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ. Bapi lỗ nhưng không đáng kể, lỗ do phân phối chưa đạt, người điều hành phân phối chưa ổn chứ không phải chất lượng kém.

Nhìn lại hành trình gắn bó với heo ăn chuối, Công ty Cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai được thành lập với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng do 3 cổ đông góp vốn là: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 55% vốn điều lệ, Công ty TNHH TM Dược phẩm Đông Á góp 40% và bà Lê Minh Nguyệt sở hữu 5% cổ phần.

Đến tháng 1/2023, Bapi đã phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Trong đó, HAGL đã mua thêm 650.000 cổ phiếu để nâng tổng số cổ phiếu lên con số 3,4 triệu, tương đương 34% vốn. Với tỉ lệ này, Bapi HAGL không còn là công ty con của HAGL, và xuất hiện thêm cổ đông mới nắm giữ 35% vốn của Bapi là ông Đỗ Xuân Diện.

Đến cuối tháng 12/2023, HAGL công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của Hoàng Anh Gia Lai; kết thúc hành trình gần 2 năm gắn bó.

Dù không nói rõ lý do nhưng có thể thấy HAGL “chia tay” heo Bapi trong bối cảnh công ty đang tích cực bán tài sản để trả nợ, đồng thời giá thịt heo hơi liên tục trong cảnh bấp bênh.

Sản phẩm chủ lực hóa thử nghiệm kinh doanh

Trong hành trình kinh doanh của bầu Đức, không ít lần vị đại gia này tuyên bố gắn bó với một cây trồng nào đó. Tuy nhiên, sau đó cũng là vô số lần “chia tay" sau khi thay đổi chiến lược với nông nghiệp.

Con đường làm nông nghiệp với chủ lực là cây cao su được bầu Đức bắt đầu từ cuối năm 2007, với những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Lào. Tính tổng cộng diện tích trồng cao su ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng rất nhanh trong giai đoạn từ 2008 - 2012.

Còn nhớ vào năm 2014, bầu Đức từng tuyên bố “Bán nhà cũng phải trồng cao su”. Tuy vậy nhưng Bầu Đức trồng cây lúc giá cao, nhưng đến lúc có thể thu hoạch thì giá lại liên tục lao dốc.

HAGL bắt đầu xoay chuyển sang nuôi bò, để "cứu" tập đoàn trong những năm khủng hoảng tài chính do chi phí đội lên quá cao. Khi các lĩnh vực khác bế tắc thanh khoản, nguồn thu từ chăn nuôi bò là động lực chính để thúc đẩy dòng tiền.

Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn vào năm 2016: “Không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.

Mặc dù vậy, khi biên lợi nhuận nuôi bò giảm nhanh, đàn bò cuối cùng cũng đã giảm dần về số lượng nhường chỗ cho trái cây và vật nuôi ngắn ngày là chuối và heo.

Tại thời điểm năm 2022, nói về trồng chuối, bầu Đức tự tin: “Tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”. Và với heo, vị đại gia phố núi còn vui mừng háo hức đến nỗi: “Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được”.

Khi tìm thấy chân ái mới với cây sầu riêng, vị Chủ tịch tự tin khẳng định “giá trị lớn nhất trong tương lai của Hoàng Anh Gia Lai là sầu riêng” với hiệu quả 1 đồng vốn thu về 4 đồng lời.

Và đến thời điểm giữa năm 2023, khi tìm thấy chân ái mới với cây sầu riêng, vị Chủ tịch tự tin khẳng định “giá trị lớn nhất trong tương lai của Hoàng Anh Gia Lai là sầu riêng” với hiệu quả 1 đồng vốn thu về 4 đồng lời.

Có thể thấy, sau mỗi giai đoạn chuyển mình, thay đổi chiến lược kinh doanh, vị đại gia hơn 60 tuổi này đều nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, với sầu riêng cũng vậy. Nhưng đáp lại sự lo lắng của cổ đông về quan điểm sầu riêng mang tính ngắn hạn hay trồng sầu riêng có rủi ro, bầu Đức tự tin khẳng định tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 12/2023 rằng: “Bao nhiêu cũng có thể tiêu thụ hết. Ở Trung Quốc, thống kê đến nay chỉ có 10% người dân ăn sầu riêng, do giá quá đắt. Nếu giá xuống 50.000 đồng/kg, người dân Trung Quốc vẫn ăn. Ngoài ra, Mỹ và nhiều thị trường khác cũng bắt đầu ăn sầu riêng".

Nhìn chung, sự gắn bó với sản phẩm không quan trọng bằng hiệu quả đầu tư của từng loại hình kinh doanh, không thể phủ nhận rằng nhờ nông nghiệp mà HAGL đã thay da đổi thịt trong những năm gần đây.

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: doanh nghiệp , HAGL , Bầu Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP