Kinh tế

Bất ngờ 'tuyệt tình cốc', những góc khuất bị lật rõ

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm tại công ty xi măng Phúc Sơn (Hải Phòng) - doanh nghiệp có vốn Đài Loan và đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang công an. Thế nhưng, để ra được kết quả này, Kiểm toán Nhà nước đã phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để Công ty Phúc Sơn nhìn nhận rõ sai phạm của mình.

Công ty xi măng Phúc Sơn là một liên doanh do tập đoàn Lucky của Đài Loan đầu tư, được cấp phép đầu tư từ tháng 1/1996 với tổng vốn đầu tư 265 triệu USD, tổng công suất thiết kế là 1,8 triệu tấn/năm.

Công ty này chính thức được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác mỏ đá vôi ở núi Trại Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng vào ngày 6/5/1996, với diện tích khai thác là 31,5ha.

Việc khai thác đá của công ty Phúc Sơn bị chỉ ra nhiều sai phạm

Như VietNamNet đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã xác định số tiền cần truy thu lên đến 266 tỷ đồng do công ty này khai thác khối lượng khai thác vượt công suất, vượt ranh giới cho phép.

Thực tế, trong suốt thời gian hoạt động, công ty này liên tục bị người dân phản ánh về những dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, cả ở khu vực khai thác đá ở Hải Phòng lẫn khu vực nhà máy ở Hải Dương.

Vào đầu tháng 5/2017, căn cứ kết quả thanh tra về bảo vệ môi trường đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn ngày 3/2/2017, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn với số tiền 360 triệu đồng, đình chỉ hoạt động trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 4/5/2017 để khắc phục hậu quả vi phạm.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Xi măng Phúc Sơn chưa xây lắp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống tách dầu để xử lý nước vệ sinh công nghiệp, chưa có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu về hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường, chưa có biện pháp xử lý khí thải gây ô nhiễm, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm dự án,...

Sau đó, công ty Phúc Sơn đã hoàn thiện các vấn đề do thanh tra của Tổng cục Môi trường chỉ ra.

Hồi năm 2013, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn với tổng số tiền là 216 triệu đồng do có vi phạm về môi trường. Cụ thể, Công ty Xi măng Phúc Sơn bị phạt 85 triệu đồng đối với hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt; phạt 6 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và xử phạt 125 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại với nhau.

Ngoài ra, mỏ đá A thuộc dãy núi đá Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được cơ quan chức năng cấp cho công ty Xi măng Phúc Sơn có trụ sở và nhà máy tại huyện Kinh Môn, Hải Dương, khai thác làm nguyên liệu cũng vướng nhiều tai tiếng.

Tháng 8/2014 đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại mỏ đá này làm 5 công nhân bị đá vùi chết.

Sau một thời gian khai thác, công ty này cũng liên tiếp gây ô nhiễm môi trường, làm sập mái nhà dân, cùng hoa màu và vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân. Bức xúc, hàng trăm người dân xã An Sơn đã làm đơn tố cáo, kiến nghị và thành phố Hải Phòng lúc ấy đã ban hành văn bản tạm thời đình chỉ việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ A từ năm 2013.

Đỉnh điểm là tháng 1/2014 hàng chục hộ dân sinh sống ở xóm Lò Vôi, thôn 11, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng dựng lều bạt trong phễu sản xuất của Công ty Xi măng Phúc Sơn phản đối công ty này đã không thực hiện đúng cam kết với người dân về bảo vệ môi trường, an toàn cho người dân khu vực khai thác đá.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước kết luận: Công ty Phúc Sơn khai thác vượt công suất, dưới cốt +5m, vượt ranh giới cho phép dẫn đến khối lượng đá nguyên khai chưa kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác là 8,3 triệu m3; chưa kê khai tính phí bảo vệ môi trường là 9,7 triệu m3; khối lượng tài nguyên đã khai thác dưới cốt cho phép (+5m) là 434 nghìn m3. Đây là kiểu khai thác tạo ra các hồ nước kiểu như 'tuyêt tình cốc' mà giới trẻ thường hay nói các khu vực hồ nước - núi đá sau khi khai thác ở Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Kiểm toán Nhà nước tạm xác định doanh nghiệp còn phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 266 tỷ đồng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phải nộp khác có liên quan.

Việc xác định số tiền cần truy thu lên đến 266 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phải rất cẩn trọng, nhưng không tránh khỏi phản ứng gay gắt của Công ty Phúc Sơn. Công ty này không đồng tình với khối lượng khai thác và đề nghị truy thu tiền mà Kiểm toán Nhà nước vạch ra.

Kiểm toán Nhà nước cho hay thực hiện đo đạc khối lượng khoáng sản thực tế đã khai thác đối với 2 doanh nghiệp (Công ty Xi măng Phúc Sơn và Công ty cổ phần thương mại Tân Hoàng An) nhưng chỉ Công ty Xi măng Phúc Sơn là không đồng thuận về kết quả do Kiểm toán Nhà nước đưa ra. Còn Công ty cổ phần thương mại Tân Hoàng An đã đồng ý với kết quả đo đạc và kiến nghị truy thu 294 tỷ đồng tiền thuế và các khoản khác phải nộp ngân sách của Kiểm toán Nhà nước.

“Tuyệt tình cốc” là tên địa danh có vẻ đẹp hút hồn trong tiểu thuyết kiếm hiệp “Thần điêu đại hiệp” của nhà văn Kim Dung. Từ đó, giới trẻ đã ưu ái dùng cái tên này đặt cho hồ nước trong vắt và xanh ngắt nằm giữa dãy núi đá vôi ở vùng khai thác đá vôi Hải Phòng.

Đây ban đầu các dãy núi đã vôi. Sau đó khu vực này được khai thác đá phục vụ sản xuất xi-măng và vật liệu xây dựng. Sauk hi lấy hết đá trên mặt đất người ta còn đào sâu xuống âm nhiều mét, lâu ngày nước tích tụ tạo nên các hồ nước hồ nước.

Cảnh các hồ nước, vách núi bị xẻ hung vĩ tạo nên cảnh thơ mộng nên được nhiều bạn trẻ dến chụp ảnh sống ảo.

Tuy đẹp nhưng đây lại là một thực tế đầy hiểm họa của người dân sở tại. Nước hồ có thể chứa nhiều chất hóa học hại sức khỏe . Do không được hoàn nguyên nên qua nhiều năm, Tuyệt Tình Cốc có thể nhiễm một số vi trùng gây bệnh, nhiều chất hoà tan độc hại từ thuốc nổ như axit nitric, axit sunfuric, oxit chì... màu xanh lạ của nước hồ cũng 1 phần do hóa chất từ khai thác đá tạo ra.

Hơn thế, dó đào sâu lấy đá nhưng không được hoàn nguyên, các long hồ có thể sâu vài mắt tới vài chục mét cùng với dốc đứng, vách đá cheo leo, nhiều chỗ đá có thể sụp xuống bất cứ lúc nào là mối nguy đối với các du khách ưa mạo hiểm.

Khu vực hồ cũng chính là công trường khai thác đá nên bụi bẩn và ô nhiễm.

Tác giả: Hà Duy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP