Cụ thể, trong số vụ việc bị cơ quan chức năng bắt giữ, những vụ bắt giữ thực phẩm, hàng giả và buôn lậu có tính chất vi phạm lớn nhất. Tổng số tiền vi phạm ước tính khoảng 25 tỷ đồng, cơ quan Hải quan đã truy thu cho Ngân sách Nhà nước số tiền hơn 17 tỷ đồng, khởi tố hình sự 2 vụ việc, chuyển cơ quan khác truy cứu hơn 6 vụ khác.
Nghiêm trọng nhất trong tháng là vụ vận chuyển tiền tệ từ biên giới Campuchia vào Việt Nam, theo đó ngày 18/8, cơ quan Hải quan và lực lượng chức năng đã phát hiện vụ vận chuyển 1,05 tỷ đồng, 4 tạ gạo Campuchia trên 1 xe Lexus biển kiểm soát Campuchia vào Việt Nam. Vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vì số tiền giả khá lớn.
Trong ngày 7/9, Cục Hải quan Lào Cai đã bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm từ Trung Quốc, trong đó 1 lô hàng vô chủ là 80 kg xúc xích, 70 kg chả cá và hơn 1 tạ gà cay nhập lậu từ Trung Quốc. Cơ quan Hải quan đã tiêu huỷ số hàng trên.
Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, giữa tháng 9, lực lượng Hải quan Quảng Ninh cũng bắt giữ hai vụ vận chuyển hơn 2 tấn thịt trâu, 1,9 tấn cá ướp lạnh có xuất xứ từ Trung Quốc không xác định được chủ sở hữu.
Số vụ bắt giữ thuốc lá lậu trong tháng qua cũng rất lớn. Cụ thể, ngày 28/8 Hải quan Lào Cai cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hai thuyền sắt vận chuyển hơn 37,6 tấn thuốc lá nhập lậu. Tại Quảng Trị, cơ quan chức năng cũng thu giữ số lượng 3.500 bao thuốc lá nhập lậu.
Ngoài các hàng hoá trên, cuối tháng 8/2016 tại TP HCM cơ quan chức năng đã phát hiện 01 doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu dụng cụ y tế đã qua sử dụng thuộc hàng cấm nhập khẩu. Hàng hoá vi phạm là 81 dụng cụ phẫu thuật khớp trị giá hơn 30 triệu đồng.
Đặc biệt trong số các sản phẩm buôn lậu bị bắt giữ, thời gian vừa qua nhiều vụ thực phẩm chức năng giả, nhập lậu đã bị phát hiện và bắt giữ. Theo Tổng cục Hải quan, cuối tháng 8/2016 Hải quan Hải Phòng bắt giữ nhiều loại mỹ phẩm của một doanh nghiệp khai gian dối hàng hoá, khám xét cơ quan điều tra phát hiện hơn 1.000 bộ dầu gội xả, gần 12.000 túi mặt nạ dưỡng da các loại và hơn 200 hộp kem dưỡng da… đều có nguồn gốc từ Hàn Quốc.
Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin, Ban chỉ đạo phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện và bắt giữ hơn 2 vạn hộp thực phẩm chức năng của các nhãn hiệu nổi tiếng, ghi nguồn gốc từ Mỹ, Nhật và các nước EU tại địa điểm kinh doanh, kho hàng của Công ty TNHH Slim HMN Việt Nam (địa chỉ tại Thanh Trì, Hà Nội). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn thu giữ hàng nghìn nhãn mác, vỏ chai lọ, máy ép và máy móc để đóng gói các loại thực phẩm chức năng trên.
Qua kiểm tra của cơ quan Hải quan, chủ doanh nghiệp không cung cấp được hoá đơn chứng từ xuất xứ hàng hoá và các giấy tờ hợp pháp liên quan đến số hàng. Qua kiểm tra, kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa khẳng định, số hàng hoá nói trên là hàng giả và kiến nghị cơ quan công an xử lý theo trình tự pháp luật.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: