Tin địa phương

Bất cập trong quản lý và khai thác bãi biển Đà Nẵng

Không chỉ “thả nổi” công viên Biển Đông (Đà Nẵng), nhiều bất cập khác trong việc khai thác, sử dụng công viên này cũng như quản lý các hộ kinh doanh bãi biển cần được chấn chỉnh.

Thiếu trầm trọng bãi giữ xe về đêm

Muốn tìm được chỗ gửi xe máy trên đoạn đường biển từ Nguyễn Văn Thoại đến công viên Biển Đông để đi tản bộ là điều khó khăn. Những điểm gửi xe sẵn có chủ yếu phục vụ cho khách đi tắm biển. Sau 19h tối, các điểm giữ xe tắm biển này dừng hoạt động. Người dân hoặc du khách muốn xuống bãi biển Phạm Văn Đồng hóng gió thì chỉ có cách… ”đánh liều” để xe ở lề đường, cách bãi biển 200-300m.

Người dân và du khách dựng xe máy sát lề đường để xuống biển (ảnh M.H)

Ông Trần Chí Cường - PGĐ Sở Du lịch cho biết, đây là một bài toán khó mà Sở và Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển đang tìm cách tháo gỡ. Bởi Đà Nẵng đang vào mùa du lịch và nắng nóng. Du khách và người dân đổ ra biển hóng mát rất đông.

Một nhà đầu tư khu du lịch tại bãi biển Đà Nẵng nhận xét, thành phố có biển tuyệt đẹp, nhu cầu hưởng thụ cảnh đẹp từ biển rất cao nhưng bãi biển chưa được đầu tư xứng tầm. Nắm bắt tâm lý nhiều du khách muốn hưởng thụ không gian của biển, ngắm cảnh đẹp của biển, ông đã mạnh dạn đầu tư “khu du lịch không có phòng ngủ” nhưng đầy đủ tiện ích của khu du lịch 4 sao với hồ bơi, nhà hàng giải khát, bãi biển để phục vụ cho người dân và du khách không có nhu cầu ở lại đêm. Ông nói, phải khó khăn lắm ông mới thuyết phục được thành phố cho phép đầu tư theo mô hình này. Hiệu quả của mô hình đã chứng minh tâm huyết của ông, khách đến “khu du lịch không phòng ngủ” này rất nhiều, khách đoàn, khách lẻ, khách trong nước, ngoài nước…

Rất đông người dân và du khách đến công viên Biển Đông về đêm

Không làm lớn như nhà đầu tư nói trên, các hộ kinh doanh bãi biển cũng đang tích cực làm mới mình để phục vụ du khách bằng các dịch vụ phong phú như thể thao biển, dù lượn, ca nô, cà phê giải khát trên bãi biển về đêm… Một hộ kinh doanh tại bãi biển Phạm Văn Đồng cho hay, phải luôn tạo ra sản phẩm dịch vụ mới trong khuôn khổ cho phép của nhà quản lý để lôi cuốn du khách đến với bãi biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay vẫn là lối xuống biển và bãi đậu xe. Du khách vừa đi dạo công viên, vừa phải canh chừng xe máy nên rất bất tiện.

Tăng thời gian khai thác nhưng không thu phí (?)

Cũng như các hộ kinh doanh bãi biển khác, hiện nay sân khấu BNF (của Công ty CP Bảo Nguyên Food) chỉ đóng góp quỹ cứu hộ bãi biển hàng năm. Mức đóng góp tùy theo “sức” của hộ kinh doanh, hiện tại, mức cao nhất khoảng trên 22 triệu đồng/năm.

Bãi biển tràn đầy sức sống từ sáng tinh mơ (ảnh Đức Lâm)

Ông Trần Chí Cường cho biết, với mức đóng góp này, không đủ để hỗ trợ lương, bảo hiểm cho đội cứu hộ, chưa nói đến mua sắm các dụng cụ cứu hộ... Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển thường phải đứng ra vận động tài trợ để hỗ trợ thêm nhưng đây là cách làm bấp bênh.

Nhiều ý kiến nhận xét, Đà Nẵng còn quá dè dặt trong việc khai thác thế mạnh bãi biển phục vụ du lịch. E ngại đổi phương thức quản lý sẽ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh bãi biển, vốn dĩ là những hộ nghèo nên ngành du lịch chưa mạnh dạn áp dụng phương thức thuê mặt bằng, thuê đất để tạo sự công bằng và kích thích phát triển kinh doanh. Mặc dù nguồn hỗ trợ cho quỹ cứu hộ đang rất hạn hẹp, chủ yếu từ 15 hộ kinh doanh và nhà tài trợ nhưng thành phố lại có những ưu ái chưa hợp lý.

Sân khấu BNF trên công viên Biển Đông (ảnh M.H)

Được chính thức vận hành, khai thác sân khấu công viên Biển Đông kể từ sau Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5, Công ty BNF đã đề xuất thay đổi thiết kế sân khấu cũ và được thành phố chấp thuận bằng Công văn 1051/UBND-KGVX ngày 16/2/2017, do ông Đặng Việt Dũng (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND) ký.

Theo công văn này, BNF được thay đổi thiết kế sân khấu và đầu tư hệ thống mái che khu vực sân khấu trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 2 dương lịch hàng năm. Văn bản này cũng lưu ý, hệ thống mái che chỉ được làm di động, lắp ghép, chỉ sử dụng trong những ngày mưa và có thể dễ dàng tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng khi có yêu cầu. Mái che phải đảm bảo mỹ quan chung cho khu vực.

Thông tin quản cáo của BNF

Tuy nhiên, sân khấu BNF hiện nay không giống như chủ trương đã cho phép. Mái che được cố định quanh năm. Lý do đưa ra là do trời nắng và gió nên phải cố định mái che để bảo quản đồ đạc trong khu vực sân khấu.

So với các hộ kinh doanh bãi biển, sân khấu BNF có lợi thế hơn khi được tổ chức nhiều sự kiện có thu với mức 50 triệu đồng/sự kiện ca nhạc (quảng cáo của BNF); sử dụng độc chiếm không gian công viên rộng lớn nhưng chỉ mới đóng góp quỹ cứu hộ như các hộ nghèo kinh doanh bãi biển (?!).

Công văn cho phép sân khấu BNF tăng thời gian quản lý và khai thác lên 5 năm (ảnh M.H)

Điều đáng nói, chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, sân khấu BNF nhận được nhiều lời chê hơn là khen ngợi do tiếng ồn từ loa công suất lớn phát thâu đêm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực công viên Biển Đông; sân khấu nới diện tích và che khuất lối xuống biển của khách du lịch; chương trình ca nhạc hàng đêm nhàm chán, như “tra tấn” người nghe... thế nhưng thành phố vẫn cho phép sân khấu BNF được tăng thời gian quản lý và khai thác lên 5 năm và sẽ xem xét, gia hạn (Công văn 1051/UBND-KGVX ngày 16/2/2017 nêu).

Các bãi tắm ít phục vụ giữ xe về đêm (ảnh M.H)

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP