Một góc khu dân cư Tam Quang, ở thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. |
Với tổng quy mô 1.057.474 ha, Quảng Nam là tỉnh đứng vị trí 7/63 tỉnh thành về diện tích đất. Thời gian qua cơ chế phân cấp nguồn thu tiền đất được HĐND tỉnh quyết định để lại 100% cho cấp huyện đã khuyến khích các địa phương tích cực trong việc đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy hoạt động khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, góp phần tạo diện mạo khu dân cư (KDC) đô thị, nông thôn ngày càng khang trang.
Thế nhưng ngoài những kết quả đạt được thì qua đó đã cho thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai.
Theo báo cáo số 25/BC-ĐGS của HĐND tỉnh này: “Tại khu vực đô thị, nhất là Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, nhiều diện tích đất đã giao nhà đầu tư nhưng thực hiện cầm chừng, kéo dài, dở dang; một số dự án chưa quan tâm thực hiện xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng (CSHT); không ít nhà đầu tư, sàn giao dịch bất động sản (BĐS) lợi dụng dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất”. Cùng với đó, một số tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí quỹ đất.
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam qua kết quả thanh tra đã gia hạn 24 tháng với 5 dự án. Thu hồi đất, chấm dứt đối với 4 dự án gồm: Đầu tư CCN Bồ Mưng; Nhà máy chế biển thủy sản xuất khẩu CCN Hà Lam - Chợ Được; Đầu tư CSHT khu vực nhà máy thủy tinh; Khu du lịch ven biển.
Sở TNMT đã thu hồi 75,2ha đất, cùng với đó đã tham mưu ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 9 đơn vị với số tiền 110.500.000 đồng. Qua thanh tra cho thấy, 16/18 doanh nghiệp tổ chức sử dụng đất ở huyện Duy Xuyên vi phạm một số quy định của pháp luật về đất đai, Luật Tài nguyên, vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước…
Theo ông Võ Hồng- phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, những vấn đề nổi cộm của sự bất cập trong công tác quản lý đất đai, như công tác thẩm định phương án tài chính dự án khai thác quỹ đất chưa chặt chẽ, việc xác định giá đất cụ thể không gắn liền với thời điểm ban hành quyết định giao đất, những dự án giao đất nhiều đợt dẫn đến tình trạng chủ đầu tư kinh doanh BĐS không quan tâm đến tiến độ đầu tư hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai, thất thu ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp thực hiện dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh nhưng có trụ sở chính ở ngoài tỉnh hoặc hạch toán phụ thuộc khó kiểm soát, nguy cơ thất thoát nguồn thu phát sinh từ hoạt động khai thác đất khá lớn.
Theo ông Hồng, tính đến nửa năm 2017 có 26 doanh nghiệp giao dịch BĐS có trụ sở ngoài tỉnh; 10/26 doanh nghiệp đăng ký thành lập chi nhánh tại tỉnh nhưng hình thức hạch toán phụ thuộc nên các chi nhánh này không kê khai đầy đủ các loại thuế liên quan hoạt động BĐS tại Quảng Nam.
Ngoài ra còn có những sai phạm như: chậm nộp nghĩa vụ nhà nước, triển khai dự án không đúng tiến độ, chưa đảm bảo trình tự thủ tục đất đai trước khi triển khai dự án,…
Báo cáo của HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra những nguyên nhân tồn tại hạn chế, trong đó có “việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên lĩnh vực đất đai có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, bị động, lúng túng. Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, giám sát chất lượng công trình, thẩm định phê duyệt mức giá thu tiền sử dụng đất, kiểm tra, kiểm kê, giám sát việc kê khai, tiến độ thu nộp tiền sử dụng đất của các dự án kinh doanh BĐS còn nhiều bất cập.
(Còn nữa)
Tác giả: Thành Nhân
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết