Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 14-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 21,1 độ vĩ Bắc, 113,6 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo đến 16 giờ ngày 15-8, vị trí tâm bão ở trên bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Bắc khu vực Bắc biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90 km tính từ tâm bão.
Nhà cửa ngổn ngang sau trận mưa, kèm giông lốc ở Phú Quý Ảnh: CHÂU THỌ |
Cơ quan khí tượng dự báo từ đêm 15 đến ngày 17-8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp có khả năng xảy ra, đặc biệt tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày 14-8, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hải Phòng lên phương án chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 4. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy - hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè, tàu thuyền khi bão đổ bộ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn với các khu khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở.
Tỉnh Nam Định cũng lên các phương án bảo đảm an toàn đê điều và các công trình đang thi công dở dang; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở.
* Một trận mưa lớn kèm gió giật, lốc xoáy kéo dài từ khuya 13 đến rạng sáng 14-8 ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, đã làm tốc mái ít nhất 30 nhà dân; nhiều tường rào, cây xanh bị ngã đổ. Rất may không có thương vong về người. Sau khi mưa lốc đi qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu tại chỗ, giúp dân sửa chữa nhà cửa.
Tác giả: Văn Duẩn - Lê Trường
Nguồn tin: Báo Người lao động