Cụ ông Le Van So và cụ bà Nguyen Thi Loi (Ảnh: Mediacorp) |
Nhiều khách du lịch đến với làng Trà Quế, Hội An coi việc được gặp gỡ cặp vợ chồng lớn tuổi nhất trong vùng là một "đặc ân". Lý do không phải vì các cụ hiếm khi ra khỏi căn nhà của họ, ngược lại họ luôn xuất hiện chào mừng các du khách tới tham quan. Nhưng ở độ tuổi đã ngót nghét 100, cặp đôi gây bất ngờ vì sự minh mẫn, sức khỏe và sự dẻo dai hiếm có.
Cụ ông Le Van So, 94 tuổi, có vóc dáng nhỏ bé, râu tóc bạc phơ. Cụ bà Nguyen Thi Loi, 88 tuổi, gây ấn tượng với nụ cười tươi dù đã móm mém. Họ có thể được coi là cặp đôi nổi tiếng nhất sinh sống ở khu vực sông Đế Võng, nếu không nói là cả phố cổ Hội An, khi ảnh chụp họ được treo đầy trên tường các tiệm ăn địa phương.
Cụ So và cụ Loi chụp ảnh "tự sướng" với khách du lịch. (Ảnh: Mediacorp) |
Mỗi ngày ông So và bà Loi đều đội nón lá đưa khách du lịch tham quan vườn rau sạch mà họ dày công vun xới bấy lâu nay. Hai cụ đều sẵn lòng chụp ảnh “tự sướng” với khách, tự hào giới thiệu với họ về sản phẩm mà 2 cụ đã sản xuất ra: các loại rau thơm và những luống rau xanh non không phun hóa chất mà họ vẫn cung cấp cho các cửa hàng trong khu vực.
“Rau ở làng Trà Quế có hương vị ngon hơn các nơi khác. Đất ở đây giàu phù sa, đó là lý do vì sao rau của chúng tôi rất ngon”, ông So cho biết.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cụ Le Van So từ khi 10 tuổi đã bắt đầu làm việc đồng áng. Giống những người cùng làng khác, cụ So sử dụng rong rêu từ sông và đầm phá xung quanh khu vực sinh sống để chăm bón các luống rau.
Theo cụ So, rong rêu là loại phân bón hiệu quả giúp rau Trà Quế có hương vị đặc biệt hơn cả. Các nông dân ở đây thường trộn rêu với đất, sau đó trồng rau lên trên. Nhờ có nghề trồng rau, cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Du lịch cộng đồng - hướng đi đột phá
Một ruộng rau hữu cơ ở làng Trà Quế (Ảnh: Mediacorp) |
Những nông dân như cụ So mới chỉ bắt đầu trồng rau theo phương pháp hữu cơ một cách bài bản cách đây 20 năm trước khi chính phủ quy hoạch lại cảnh quan khu vực nhằm phục vụ mục đích du lịch cộng đồng.
Từ những mảnh đất gồ ghề đầy ao hồ, giếng nước, chính quyền địa phương đã cho san lấp mặt bằng và chia đất canh tác cho các hộ gia đình muốn tham gia vào chương trình. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu hữu cơ và biến nơi đây thành địa điểm hút khách du lịch.
Làng Trà Quế chỉ cách phố cổ Hội An 3 km và có thể dễ dàng đi tới bằng xe đạp. Tại đây, các khách du lịch có thể trải nghiệm cuộc sống như những người nông dân thực thụ, tham gia các lớp học nấu ăn dùng rau hữu cơ hoặc đi dạo ngắm ngôi làng trù phú.
Từ khi chương trình được khởi động vào năm 2000, du lịch cộng đồng đã thay đổi bộ mặt của ngôi làng, cuộc sống của người nông dân, cũng như phương pháp canh tác của họ.
Nông dân Le Van Bay, nay đã trở thành một chủ nhà hàng, cho biết người dân Trà Quế dùng rong biển làm phân bón thay vì chất hóa học. Họ cũng không sử dụng thuốc trừ sâu mà thay vào đó dùng các hỗn hợp tự nhiên như gừng, tỏi, ớt và xịt lên lá rau.
Bên cạnh phương pháp canh tác hữu cơ, chính quyền địa phương còn mang lại những cơ hội kinh doanh cho người dân nơi đây. Mô hình nhà hàng của ông Le Van Bay hàng ngày đón khoảng 60 khách. Có khoảng 30 nhà hàng như vậy được chính quyền hỗ trợ thành lập ở Trà Quế trong 20 năm qua. Ngoài phục vụ món ăn truyền thống Việt Nam, các nhà hàng này còn mở các lớp nấu ăn và mát-xa chân bằng thảo mộc địa phương.
Lợi nhuận từ trồng rau sạch và hoạt động du lịch đủ để các hộ gia đình cho con em đến trường và giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Bên kia đường, một nhóm khách du lịch nước ngoài đã đặt chân tới Trà Quế. Cụ So và cụ Loi nhanh chóng đội nón ra đón tiếp những du khách. Người hướng dẫn viên của đoàn khách không giấu nổi sự phấn khích, giới thiệu: “Các bạn thật may mắn vì hôm nay các bạn được gặp cặp đôi lớn tuổi nhất trong làng”.
Đứng trước vườn rau xanh mướt, cụ So và cụ Loi tỏ ra tự hào, nở nụ cười tươi rạng rỡ. Họ đã sẵn sàng chụp hình với khách tham quan, công việc họ vẫn làm mỗi ngày.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí