Giới trẻ

Bao nhiêu tuổi có thể làm "chuyện người lớn"?

"Bao nhiêu tuổi thì có thể làm "chuyện người lớn?", câu hỏi của nữ sinh đặt ra tại chương trình tư vấn về giáo dục giới tính ở TPHCM là quan tâm không chỉ của các bạn trẻ mà còn là nỗi bận lòng của rất nhiều phụ huynh.

Đòi "quyền trưởng thành"

Tại chương trình nói chuyện về giáo dục giới tính, một nữ sinh 19 tuổi, đang đi học ở nước ngoài đặt ra vấn đề: "Bao nhiêu tuổi thì có thể làm "chuyện người lớn"? Nhiều bạn bè nói với em tuổi này là... làm được rồi".

Trước các ý kiến của bạn bè này, cô gái trẻ có phần hoang mang không biết mình cần ứng xử như thế nào cho phù hợp: Tiếp tục giữ gìn hay thoải mái?

Học sinh TPHCM đặt câu hỏi thắc mắc về tình dục


Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại, sau khi học hết THPT, nhiều trẻ bắt đòi "quyền trưởng thành" không chỉ công khai chuyện yêu đương mà cho rằng mình có thể đi qua đêm, tự do qua lại với người yêu, bố mẹ không nên can thiệp. Thậm chí, có những đứa trẻ đòi quyền "làm người lớn" sớm hơn, chỉ khi mới 15 - 16 tuổi.

Chị Nguyễn Ngọc Dung, nhà ở Thủ Đức, TPHCM cho biết con gái chị học lớp 11 nhưng khi bố mẹ góp ý vào các mối quan hệ bạn bè, yêu đương cháu phản ứng rất dữ dội.

Không chỉ con mình và chị thấy nhiều bạn bè của con trong quan hệ tình cảm nam nữ có rất nhiều hành động âu yếm, ôm hôn quá trớn, vượt mức hình dung của phụ huynh.

Có khi chị tỉ tê tâm sự, cháu nói nhiều người bạn của con đã vượt quá giới hạn từ lâu và cho rằng đó là chuyện bình thường.

Trước mặt bố mẹ, cháu chấp nhận "thỏa hiệp" là sau khi cháu 18 tuổi, cháu sẽ tự quyết định việc có quan hệ tình dục trước hôn nhân hay không.

"Nhiều cháu giấu giếm bố mẹ nhưng nhiều cháu công khai, không ngại ngần đâu. Tôi thật sự khó xử không biết phải nói thế nào để con hiểu về vấn đề "nhạy cảm" này", chị Dung cho biết.

Từ nhiều năm nay, thực trạng phá thai ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam là vấn nhức nhối với rất nhiều hệ lụy. Nó kéo theo hậu quả đau lòng với các bạn nữ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, dang dở học hành, ảnh hưởng đến tương lai...

Ngoài ra, thực trạng này cũng phản ánh quan niệm về tình dục trước hôn nhân đang bị đổ gãy, không dựa trên một tiêu chuẩn, chuẩn mực nào. Nhiều bạn trẻ "phá rào" ngay ở độ tuổi còn nhỏ, chưa có khả năng chịu trách nhiệm.

Hành vi tình dục cần cả lý lẫn tình

Bác sĩ, chuyên gia tình dục học Nguyễn Lan Hải cho rằng, câu hỏi ban đầu của bạn nữ sinh có thể nói là diễn đàn mở của các bạn tuổi teen ở trên mạng xã hội, các bạn không ngừng đấu tranh cho quyền "làm người lớn" của mình. Độ tuổi yêu và có khám phá về tình dục không ở đâu xa mà ngay ở Việt Nam càng ngày trở nên càng sớm.

Nói về mặt Luật pháp, Luật Hôn nhân gia đình cho phép nữ từ 18, nam từ 20 tuổi trở lên có thể kết hôn, hưởng thụ về mặt tình dục lành mạnh và chính đáng.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hải nhấn mạnh "một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", ngoài vấn đề về luật pháp thì tình dục cần các tiêu chuẩn về tình cảm, đạo lý.

Trong quá trình tư vấn, bà Hải đã gặp nhiều bạn trẻ có quan điểm tình yêu mới cần đạo đức, còn tình dục thì thì phần lớn chỉ là bản năng.

Một chương trình chuyên đề tư vấn về giáo dục giới tính cho học sinh tại TPHCM


Theo bác si Hải, người trong cuộc cần chắc chắn hành vi tình dục của mình đúng với tính người và hợp với tình người.

Ngoài mặt luật pháp, còn 4 tiêu chuẩn không thể thiếu để đảm bảo cho hành vi tình dục lành mạnh, có đạo đức là sự tự nguyện, không làm tổn thương lẫn nhau, thừa nhận trách nhiệm và lòng yêu thương của hai người dành cho nhau.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TPHCM cho hay, trong khi giới trẻ các nước phương Tây đang có xu hướng giữ gìn trước hôn nhân thì chúng ta lại chạy theo trào lưu quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Vấn đề cốt lõi vẫn là việc giới trẻ rất cần được giáo dục giới tính một cách bài bản từ nhỏ để các em biết trân quý bản thân, hiểu bản chất của tình bạn, của tình yêu để tránh những bồng bột, sai lầm có khi phải trả giá rất đắt.

Tác giả: Lê Đăng Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP