Giáo dục

Bao nhiêu điểm có cơ hội trúng tuyển vào trường ĐH Y Hà Nội?

Điểm chuẩn của trường Đại học Y Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của thí sinh. GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm khoảng 0,5 điểm tùy từng ngành

Trong 2 giờ tư vấn tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy năm 2021 trực tuyến, trường ĐH Y Hà Nội đã nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh, phụ huynh liên quan đến điểm chuẩn vào trường năm nay.

PGS.TS. Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y Hà Nội cho biết trường có 9 mã ngành gồm 4 ngành bác sĩ (bác sĩ Y khoa, bác sĩ Răng – Hàm – Mặt, bác sĩ Y học cổ truyền, bác sĩ Y học dự phòng), 5 ngành cử nhân. Điểm chuẩn của các ngành có sự phân hóa nhất định. Một số ngành có điểm chuẩn cao như Y khoa, Răng – Hàm – Mặt nhưng những ngành cử nhân, điểm chuẩn phù hợp với nhiều đối tượng thí sinh.

Bức tranh tuyển sinh của trường ĐH Y Hà Nội năm 2020

Năm 2021, chỉ tiêu cơ bản các ngành giữ ổn định như năm 2020. Nhưng có một số thông tin thí sinh cần lưu ý. Thứ nhất, đối với ngành Y khoa, nhà trường dành 360 chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp truyền thống B00 (Toán, Hóa, Sinh); 40 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT tổ hợp truyền thống B00 và chứng chỉ quốc tế tiếng Anh và tiếng Pháp.

Thứ hai, PGS. Lê Đình Tùng nhấn mạnh đến việc thí sinh cần ghi đúng mã ngành đào tạo khi tham gia xét tuyển để tránh những nhầm lần đáng tiếc, sau này không có cơ hội thay đổi.

Hiện nhà trường đã công nhận trúng tuyển 94 thí sinh, trong đó có 59 thí sinh trúng tuyển Y khoa tại cơ sở Hà Nội, và 11 thí sinh trúng tuyển vào phân hiệu Thanh Hóa.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú thông tin, năm 2020, số thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển thẳng nhập học chỉ đạt 2/3, nên dự đoán, năm nay cũng chỉ khoảng 40 thí sinh đã trúng tuyển vào Y khoa sẽ xác nhận nhập học. 20 chỉ tiêu còn lại sẽ chuyển về phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, chỉ tiêu của Y khoa năm nay còn khoảng 320 chỉ tiêu.

Vấn đề điểm chuẩn năm nay sẽ như thế nào được đông đảo thí sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm. GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh, riêng ngành Y khoa năm nay có hai phương thức xét tuyển độc lập. Vì vậy, một thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức. Ở phương thức nào thí sinh thấy có lợi thế hơn thí ưu tiên nguyện vọng đăng ký để tăng cơ hội trúng tuyển.

GS. Nguyễn Hữu Tú cho hay, phổ điểm tổ hợp B00 năm nay có thấp hơn so với năm 2020 một chút. Vì vậy, dự đoán, điểm chuẩn của trường ĐH Y Hà Nội thấp hơn trong giới hạn 0,5 điểm tùy các ngành.

Nói cụ thể hơn về dự báo điểm chuẩn năm nay, PGS. Lê Đình Tùng cho hay khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành không khác biệt, tương đương năm 2020. Về cơ bản số lượng thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên ở kỳ thi đợt 1 so với 2020 có giảm hơn một chút.

Đối với ngành Y khoa, trong đề án tuyển sinh của trường ĐH Y Hà Nội đã nêu rõ, với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, điểm chuẩn được thấp hơn không quá 3 điểm so với phương thức xét tuyển truyền thống. Tham khảo từ những trường ĐH khác, khả năng điểm chuẩn giữa hai phương thức không có khác biệt lớn, chỉ trên dưới 1 điểm.

Chính vì vậy, PGS. Lê Đình Tùng cho rằng, những thí sinh từ 28 điểm trở lên mạnh dạn “đặt cược” cửa trên vào ngành Y khoa theo phương thức xét tuyển truyền thống nếu thực sự yêu thích, còn với những thí sinh từ 27 điểm trở lên mà có chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu thì nên nghĩ đến phương thức xét tuyển kết hợp.

Ngoài ra, trường ĐH Y Hà Nội còn đào tạo nhiều ngành khác liên quan đến khoa học sức khỏe mà điểm chuẩn các năm qua ở mức phù hợp. Vì vậy, thí sinh có thể lựa chọn theo sở thích và năng lực của mình.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP