Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trên chuyến tàu trở về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: AP. |
Một quan chức Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng tàu hỏa chuyên dụng sẽ được chọn làm phương tiện di chuyển duy nhất của Kim Jong-un khi đến Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ vào ngày 27 và 28/2, mà lãnh đạo Triều Tiên có thể kết hợp cả tàu hỏa và máy bay, SCMP ngày 21/2 đưa tin.
"Chặng đường chạy bằng tàu từ Trung Quốc đến Hà Nội vốn lộ liễu với công chúng", quan chức Hàn Quốc nhận định với điều kiện giữ kín danh tính. "Điều đó không lý tưởng cho việc đảm bảo an ninh". Nhiều nguồn tin từ Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc cũng chia sẻ cùng quan điểm trên.
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 20/2 đưa tin lãnh đạo Triều Tiên sẽ đi tàu hỏa từ Bình Nhưỡng, qua lãnh thổ Trung Quốc và dừng tại ga gần biên giới Đồng Đăng của Việt Nam. Từ đó, Kim Jong-un sẽ di chuyển 170 km bằng ôtô về thủ đô Hà Nội.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước đó cho rằng ông Kim có thể sử dụng đoàn tàu bọc thép đặc biệt để tới Hà Nội thông qua Trung Quốc bởi hệ thống đường sắt của Việt Nam "có kết cấu tương đồng với hệ thống đường sắt Triều Tiên". Năm 2015, Việt Nam đưa vào hoạt động tuyến đường sắt khổ rộng 1.435 mm, nối Hà Nội - Lạng Sơn để phục vụ việc giao thương với Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyến đường sắt khổ lớn này chỉ dừng lại ở ga Gia Lâm, không kết nối với trung tâm Hà Nội.
Những con tàu chuyên chở lãnh đạo Triều Tiên được bọc thép và có nhiều tiện nghi, gồm phòng họp và phòng ngủ, điện thoại vệ tinh và TV được lắp đặt để lãnh đạo nhận được báo cáo của cấp dưới và có thể ra lệnh trong khi di chuyển.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018, ông Kim Jong-un đã sử dụng máy bay Boeing 747 của Air China, Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thăm Trung Quốc hồi năm ngoái, ông di chuyển bằng tàu.
Theo các chuyên gia, nếu di chuyển bằng tàu hỏa, lộ trình ngắn nhất từ Bình Nhưỡng đến Việt Nam sẽ đi qua một số thành phố của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quế Lâm trước khi đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam gần biên giới với Việt Nam.
Còn theo lộ trình dài hơn, lãnh đạo Triều Tiên có thể đi qua các tỉnh thưa dân cư của Trung Quốc như Hắc Long Giang, Tân Cương, Tứ Xuyên trước khi đến Côn Minh.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần thứ nhất ở Singapore tháng 6 năm ngoái, đàm phán giữa hai bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng cho rằng Washington cần có "những biện pháp tương ứng" để đáp lại những nỗ lực từ phía họ. Trong khi đó, Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước đi cụ thể và thực chất hơn hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress